FCA logo

Bệnh Trầm Cảm và Công Việc Chăm Sóc (Depression and Caregiving)

Giới thiệu

Nhiều người với triệu chứng của bệnh trầm cảm không tự nhận mình bị trầm cảm. Một số người không tự nhận thức những triệu chứng này, trong khi những người khác có thể gặp khó khăn trong việc thừa nhận mình bị trầm cảm. Đây có lẽ là một vấn đề tế nhị. Một cá nhân có thể cảm thấy thất bại hoặc rằng người khác sẽ đánh giá mình. Nhưng đây là những gì quý vị nên biết: đối với người chăm sóc, bệnh trầm cảm thường gặp nhiều hơn là quý vị nghĩ, và đó là một phản ứng bình thường cho một hoàn cảnh khó khăn. Người chăm sóc thường mắc trầm cảm từ nhẹ đến nặng do hệ quả của việc đối mặt với công việc chăm sóc luôn luôn đòi hỏi.

Trầm cảm là một bệnh lý vô cùng phức tạp với nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác định chính xác nguyên nhân. Những nhân tố đóng góp đã biết bao gồm các đặc tính di truyền, mức độ nội tiết tố, các yếu tố kích phát từ môi trường, thuốc men, hệ quả của việc sống chung với một bệnh nặng, đau buồn và mất mát do cái chết của một người thân, trải qua việc bị hành hạ về thể chất hoặc cảm xúc, sống với một người trầm cảm nặng, và những nhân tố khác. Không phải ai cũng trải qua những cảm xúc tiêu cực đi đôi với bệnh trầm cảm. Nhưng chúng ta biết rằng trong nỗ lực để cung cấp sự chăm sóc tốt nhất cho một thành viên gia đình hoặc bạn bè, người chăm sóc thường hy sinh các nhu cầu về thể chất và cảm xúc của chính họ. Các khía cạnh phức tạp và đa dạng liên quan đến việc cung cấp sự chăm sóc có thể là gánh nặng ngay cả đối với người có khả năng nhất. Cảm xúc choáng ngợp, bồn chồn, lo âu, đau khổ, bi quan, tách biệt, kiệt sức—và đôi khi tội lỗi vì có những cảm xúc này—có thể làm nên gánh nặng.

Mọi người đều có suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực khi này khi khác, nhưng khi những cảm xúc này mạnh hơn và làm cho quý vị cạn kiệt sức lực, buồn rầu hoặc khó chịu đối với người thân, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh trầm cảm. Những quan ngại về bệnh trầm cảm xuất hiện khi cảm giác trống rỗng và khóc lóc không hết, hoặc khi những cảm xúc tiêu cực này cứ đến liên tục.

Thật không may, cảm xúc trầm cảm thường được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là dấu hiệu của một điều gì đó đã mất cân bằng. Những lời nhận xét của người khác như “vượt qua nó đi” hoặc “tại mình nghĩ vậy thôi” không hề có ích, và phản ánh một niềm tin rằng những mối quan ngại về sức khỏe là không có thật. Việc phớt lờ hoặc chối bỏ những cảm xúc của quý vị sẽ không làm cho chúng mất đi.

Quan tâm sớm đến những triệu chứng của bệnh trầm cảm thông qua tập thể dục, chế độ ăn lành mạnh, sự giúp đỡ tích cực từ gia đình và bạn bè, hoặc tham vấn với một chuyên gia sức khỏe hoặc sức khỏe tâm thần được đào tạo có thể giúp phòng tránh việc mắc trầm cảm nặng hơn theo thời gian.

Triệu chứng của bệnh trầm cảm

Mọi người gặp phải trầm cảm theo nhiều cách khác nhau. Một vài người có thể có những triệu chứng kinh điển, như buồn bã và tuyệt vọng. Người khác có thể có các dấu hiệu mà quý vị không nghĩ là trầm cảm, như là mệt mỏi quá độ hoặc cáu bẳn. Loại và mức độ triệu chứng thay đổi theo cá nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Cân nhắc những triệu chứng trầm cảm thường gặp này. Bạn đã trải qua bất cứ triệu chứng nào sau đây lâu hơn hai tuần chưa?

  • Cảm thấy buồn, muốn khóc, trống rỗng, tuyệt vọng
  • Thay đổi thói quen ăn uống—sụt cân và không muốn ăn hoặc thèm ăn kèm tăng cân
  • Thay đổi giấc ngủ—ngủ quá nhiều hoặc không đủ
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, gặp khó khăn để có động lực làm việc gì
  • Mất hứng thú với những người và/hoặc những hoạt động đã từng mang lại niềm vui cho bạn
  • Cảm thấy chai sạn
  • Dễ bị kích động hay nổi nóng
  • Cảm thấy mình làm gì cũng không đủ tốt
  • Tăng việc tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc chất gây nghiện
  • Dành quá nhiều thời gian trên Internet
  • Gặp khó khăn trong tập trung, suy nghĩ, hoặc lên kế hoạch—cứ như đầu bạn bị phủ sương mù
  • Thờ ơ với sức khỏe thể chất và vẻ bề ngoài của bạn
  • Nghĩ đến việc trốn chạy, hoặc đào thoát khỏi hoàn cảnh
  • Nghĩ đến cái chết hoặc tự tử, có ý tưởng về cách kết thúc đời mình
  • Những triệu chứng về thể chất liên tục không đáp ứng điều trị, như là đau đầu, rối loạn tiêu hóa, và đau cổ và lưng mạn tính

Quan ngại đặc biệt cho người chăm sóc

  • Chăm sóc một người bị bệnh mất trí có thể dẫn đến kiệt sức. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng một người chăm sóc cho một người bị bệnh mất trí dễ bị trầm cảm gấp hai lần so với người chăm sóc cho một người không bị mất trí. Người chăm sóc không chỉ dành nhiều thời gian hơn hẳn mỗi tuần để chăm sóc, họ còn gặp nhiều vấn đề hơn trong công việc, sự căng thẳng cá nhân, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất, mất ngủ, ít thời gian hơn để làm những việc mình thích, ít thời gian hơn dành cho các thành viên gia đình khác, và có nhiều mâu thuẫn gia đình hơn người chăm sóc cho người không bị mất trí.

    Tình trạng sụt giảm năng lực về tâm thần và thể chất của một người thân đã rất căng thẳng cho người chăm sóc rồi, thì việc đối phó với hành vi liên quan đến mất trí còn là một nhân tố đóng góp lớn hơn cho sự hình thành trầm cảm. Những triệu chứng liên quan đến bệnh mất trí như lang thang, kích động, tích trữ đồ đồng nát, hành vi đáng xấu hổ và việc chống đối hoặc không hợp tác của người thân làm mỗi ngày là một sự thử thách và làm cho người chăm sóc khó mà nghỉ ngơi hoặc nhận sự hỗ trợ trong việc chăm sóc. Bệnh mất trí càng nặng, người chăm sóc càng dễ bị mắc trầm cảm. Việc nhận sự hỗ trợ và nghỉ ngơi liên tục và đáng tin cậy, đặc biệt trong những trường hợp này, là rất thiết yếu cho người chăm sóc.
     

  • Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới. Nữ giới, chủ yếu là vợ và con gái, đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc. Tại Hoa Kỳ, ước tính 12 triệu phụ nữ mắc trầm cảm lâm sàng mỗi năm, ở khoảng gấp đôi so với tỷ lệ này ở đàn ông. Nếu bạn nghĩ trầm cảm chỉ do mình tự nghĩ ra, hãy suy nghĩ lại. Những yếu tố thể chất như mãn kinh, sinh đẻ, hội chứng tiền mãn kinh, bệnh lý tuyến giáp, và thiếu hụt dinh dưỡng như sắt, vitamin D, acid béo Omega-3 đều có thể gây trầm cảm.

    Một nghiên cứ Sức khỏe Tâm thần Mỹ phát hiện rằng nhiều phụ nữ không điều trị trầm cảm bởi vì họ xấu hổ hoặc chối bỏ việc bị trầm cảm. Trên thực tế, 41% phụ nữ được khảo sát dẫn chứng việc cảm thấy xấu hổ hoặc thẹn thùng là rào cản cho điều trị. Hãy nhớ rằng bác sĩ đã từng nghe về tất cả những điều này. Khám sức khỏe toàn diện là rất quan trọng cho cả sức khỏe tâm thần và thể chất của bạn. Hãy dành thời gian trong lúc khám để nói về chủ đề trầm cảm nếu bạn nghi ngờ bạn đang gặp các triệu chứng của trầm cảm.
     

  • Những người chăm sóc là nam giới đối phó với trầm cảm một cách khác. Nam giới ít khi thừa nhận bị trầm cảm và bác sĩ ít khi chẩn đoán trầm cảm trên nam giới. Nam giới sẽ thường “tự điều trị” những triệu chứng trầm cảm của họ như cơn giận dữ, sự cáu bẳn, hoặc cảm giác bất lực bằng rượu bia hoặc lao đầu vào công việc. Mặc dù người chăm sóc là nam giới thường dễ sẵn lòng hơn nữ giới để thuê mướn sự trợ giúp từ bên ngoài để giúp đỡ công việc chăm sóc nhà cửa, họ thường có ít bạn hơn để trút bầu tâm sự hoặc ít những hoạt động tích cực hơn để tham gia bên ngoài. Giả định sai lầm rằng triệu chứng trầm cảm là dấu hiệu của sự yếu đuối có thể làm cho nam giới gặp khó khăn rất lớn để tìm kiếm sự giúp đỡ.
     
  • Người chăm sóc quân nhân và cựu quân nhân có nguy cơ bị trầm cảm. Người chăm sóc quân nhân và cựu quân nhân bị trầm cảm gần gấp hai lần tỷ lệ này ở người chăm sóc cho người không phải quân nhân. Tình trạng sức khỏe tâm thần và/hoặc thể chất của một cựu quân nhân càng nghiêm trọng, bạn càng nhọc công hơn khi chăm sóc. Những bệnh lý như mất trí, chấn thương sọ não, và rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (TBI và PTSD) có thể vô cùng thử thách cho người chăm sóc. Cố gắng đương đầu với cuộc sống hằng ngày kèm với việc trông chừng những cơn bùng phát của người cựu quân nhân, hoặc giúp đỡ họ đối phó với căng thẳng của riêng họ, có thể làm cho bạn cảm thấy bị choáng ngợp và tăng cảm xúc trầm cảm, đặc biệt là những cảm xúc bất lực và tuyệt vọng. Là một người chăm sóc cho quân nhân, bạn có thể không có ai khác trong đời mình để có thể thấu hiểu và trải nghiệm việc chăm sóc một quân nhân, đặc biệt những người chăm sóc trẻ hơn khi đồng nghiệp của họ ít có khả năng gặp phải các loại thử thách tương tự. Bạn có thể đã di chuyển để có được sự tiếp cận tốt hơn với phúc lợi VA, hoặc đến một vùng nhiều hỗ trợ hơn cho những nhu cầu của người quân nhân bạn chăm sóc, mà có thể làm cho bạn cảm thấy bị cô lập hơn và ít có khả năng có được sự trợ giúp từ những người bạn quen và tin tưởng. Điều đó không có nghĩa là không có giúp đỡ. Bước đầu tiên là thảo luận với bác sĩ của mình để có thể gửi bạn đến khám một chuyên gia sức khỏe tâm thần và có thể kê toa nếu cần.
     
  • Mất ngủ đóng góp vào bệnh trầm cảm. Tuy nhu cầu ngủ thay đổi, phần lớn mọi người cần ngủ tám tiếng mỗi ngày. Mất ngủ do hệ quả từ việc chăm sóc cho người thân có thể dẫn đến trầm cảm nặng. Việc quan trọng cần nhớ là mặc dù bạn có thể không thể làm cho người thân của mình nghỉ ngơi suốt đêm, bạn phải sắp xếp để ngủ đủ giấc. Thuê người làm hoặc nhờ một người bạn ở với người thân trong khi bạn ngủ, tìm một trung tâm chăm sóc, hoặc lên lịch để một thành viên gia đình khác đến ở chung một vài đêm là một số cách để giữ vững sự tận tâm chăm sóc của bạn mà vẫn ngủ đủ giấc.
     
  • Trầm cảm có thể kéo dài sau khi đưa người thân vào một trung tâm chăm sóc. Đưa ra quyết định đưa người thân đến một trung tâm chăm sóc là một việc rất căng thẳng. Trong khi nhiều người chăm sóc cuối cùng cũng có thể được nghỉ ngơi đầy đủ, sự cô đơn, cảm giác tội lỗi, và việc giám sát cách người thân được chăm sóc tại địa điểm mới này có thể tạo thêm căng thẳng mới. Nhiều người chăm sóc cảm thấy trầm cảm vào thời điểm đưa người thân vào trung tâm chăm sóc và một số tiếp tục cảm thấy trầm cảm sau đó một thời gian.

Nhiều người cứ cho rằng một khi kết thúc công việc chăm sóc, căng thẳng do phải cung cấp sự chăm sóc trực tiếp sẽ biến mất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngay cả sau khi người vợ hoặc chồng bị bệnh mất trí đã mất được ba năm, một số người chăm sóc trước đó tiếp tục trải nghiệm sự trầm cảm và cô độc. Để nỗ lực đưa cuộc sống của họ trở lại bình thường, người chăm sóc trước đây có thể cũng cần tìm kiếm sự giúp đỡ cho bệnh trầm cảm.

Cần làm gì nếu bạn nghĩ mình bị trầm cảm

Bệnh trầm cảm xứng đáng nhận được sự chú ý như bất cứ bệnh tật nào khác, như là đái tháo đường hoặc tăng huyết áp. Tương tự, cách tốt nhất để tìm ra điều gì đang gây nên các triệu chứng là thảo luận với một chuyên gia có đầy đủ năng lực, như bác sĩ của bạn chẳng hạn. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi sử dụng thuật ngữ trầm cảm, hãy nói với bác sĩ của bạn rằng bạn đang “cảm thấy buồn” hoặc “xuống tinh thần”, và mô tả trải nghiệm cá nhân và triệu chứng của bạn. Bạn càng cụ thể, bác sĩ càng có thể giúp bạn tốt hơn. Việc quan trọng là phải ưu tiên nói về nó trong cuộc hẹn khám của bạn và phải càng thành thật càng tốt để bác sĩ của bạn có thể giúp.

Không quá hiếm cho một người nhận được sự chăm sóc mắc phải bệnh trầm cảm mà không được chẩn đoán. Mọi việc cảm thấy tồi tệ hơn là thực tế từ góc nhìn của họ kèm với bất cứ những thử thách trong việc chăm sóc hằng ngày mà bạn phải trải qua. Nếu bạn nghi ngờ rằng mình đang gặp phải tình huống này trong việc chăm sóc, hãy tìm kiếm một cơ hội để chia sẻ mối lo lắng của bạn với họ. Nếu họ ngần ngại nói về điều này với bạn, hãy động viên một người bạn tin cậy để nói chuyện với họ hoặc cân nhắc việc gửi một bức thư đến bác sĩ của họ về mối lo lắng của bạn trước cuộc hẹn khám tiếp theo của họ.   

Bệnh trầm cảm được điều trị như thế nào?

Bước đầu tiên để nhận được trị liệu tốt nhất cho bệnh trầm cảm là gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần như một nhà tâm lý học, nhân viên công tác xã hội, hoặc những nhà trị liệu có cấp phép khác. Cùng lúc đó, hãy lên lịch khám sức khỏe với bác sĩ của bạn. Những loại thuốc nhất định, cũng như một số tình trạng bệnh lý như nhiễm siêu vi, có thể gây ra triệu chứng giống với trầm cảm, và nên được một bác sĩ đánh giá. Buổi khám nên bao gồm các xét nghiệm và một buổi phỏng vấn kiểm tra trạng thái tâm thần để xác định liệu lời nói, trí nhớ, hoặc mạch suy nghĩ có bị ảnh hưởng chưa.

Mặc dù một bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm, chỉ thuốc men thôi thì không phải là trị liệu hiệu quả nhất cho bệnh trầm cảm. Việc có sự hướng dẫn đồng thời của một chuyên gia sức khỏe tâm thần được cực lực khuyến cáo. Nhà trị liệu hoặc nhà tư vấn sẽ lắng nghe những mối lo của bạn, tầm soát xem bạn có triệu chứng trầm cảm, và hỗ trợ bạn bằng nhiều cách tiến triển để giải quyết căng thẳng của mình và xây dựng nên các cách đối phó mới.

Một cách khác để tìm một chuyên gia là hỏi bạn bè về một ai đó mà họ biết và tin tưởng. Bạn còn có thể tìm chuyên gia bằng cách hỏi mục sư hoặc giáo sĩ, bác sĩ của bạn, hoặc nếu bạn đang đi làm, bạn có thể kiểm tra danh sách nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm của người thuê bạn hoặc Chương Trình Hỗ Trợ Nhân Viên (Employee Assistance Program, EAP). Bên cạnh đó, các tổ chức quốc gia có thể cung cấp thông tin liên lạc cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần trong cộng đồng của bạn. (Xem “Tìm Chuyên Gia ở Khu Vực của Bạn” trong tài liệu này.)

Quan trọng là phải tin tưởng và cảm thấy thoải mái với chuyên gia bạn đến khám. Không phải là hiếm khi yêu cầu một buổi giới thiệu miễn phí qua điện thoại hoặc trực tiếp gặp gỡ để giúp quyết định xem liệu chuyên gia có phù hợp với các nhu cầu và phong cách riêng của bạn không. Nên làm rõ:

  • Giá tiền là bao nhiêu
  • Bảo hiểm của bạn sẽ trả bao nhiêu
  • Có bao nhiêu buổi gặp được xếp lịch bạn mong đợi là sẽ có với nhà trị liệu sức khỏe tâm thần

 Bất cứ trị liệu nào nên được đánh giá định kỳ để đảm bảo rằng nó tiếp tục có đóng góp vào cải thiện sức khỏe và trưởng thành của bạn.

Các lựa chọn điều trị

Khi xem xét đánh giá về sức khỏe thể chất và tâm thần, một lộ trình điều trị có thể được khuyến cáo. Các cách điều trị chính là tâm lý trị liệu (còn được gọi là sức khỏe tâm thần trị liệu và trò chuyện trị liệu) và thuốc chống trầm cảm. Những cách điều trị này có thể được dùng đơn độc hoặc phối hợp với nhau. Cách điều trị thường gặp nhất cho triệu chứng trầm cảm đã tiến triển quá giai đoạn nhẹ là thuốc chống trầm cảm, để đem lại việc cải thiện triệu chứng tương đối nhanh chóng. Thiết yếu cho điều trị bệnh trầm cảm là việc sử dụng đồng thời tâm lý trị liệu với thuốc men. Thảo luận tình huống của bạn với một nhà trị liệu có thể mở ra sự tự nhận thức mới về bản thân để giải quyết một mối lo lắng về mặt cảm xúc cụ thể và đem lại chỉ dẫn để giải quyết các thử thách để trở nên khỏe mạnh và duy trì sức khỏe.

Khi lựa chọn nhà trị liệu, hãy chắc rằng đã hỏi về kinh nghiệm làm việc của họ với những người chăm sóc gia đình và sự hiểu biết của họ về những yếu tố gây căng thẳng liên quan đến công việc chăm sóc.

Nếu cần trị liệu bằng thuốc, một khoảng thử và sai nhất định là cần thiết để tìm ra đúng loại và đúng liều thuốc cho mỗi cá nhân, và có thể mất khoảng vài tuần trước khi có hiệu quả. Việc giao tiếp tốt giữa bệnh nhân và bác sĩ là rất quan trọng. Những người lớn tuổi hơn nên cần đặc biệt cẩn thận coi chừng tác dụng phụ của thuốc gây ra do liều quá cao hoặc tương tác với các thuốc khác.

 

Các liệu pháp bổ trợ và thay thế

Nhiều loại thuốc bổ trợ và liệu pháp thay thế được đề xướng để đối phó với bệnh trầm cảm. Một vài phương pháp đã được kiểm nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng khoa học, nhưng nhiều phương pháp vẫn chưa được kiểm nghiệm. Sau đây là tổng quan về một vài trị liệu thông dụng nhất:

Tập thể dục: Thể dục đã được chứng minh là giảm tác động của bệnh trầm cảm. Đi bộ ba lần mộ tuần từ 30 đến 45 phút đã được liên kết với việc giảm hoặc cải thiện triệu chứng trầm cảm. Nếu bạn không có quá nhiều thời gian cho việc đó, thì hãy bắt đầu với 15 phút một lần một tuần. Thông điệp quan trọng là hãy bắt đầu hoạt động thể dục đều đặn.

Chưa biết rằng liệu hoạt động thể dục ngăn ngừa trầm cảm khởi phát hay chỉ là giúp điều chỉnh tác động. Sắp xếp thời gian để tập thể dục đôi khi khó khăn cho người chăm sóc. Nó thường được xem là hoạt động “giá trị gia tăng”—việc gì đó để làm khi tất cả việc khác đã xong. Bạn có thể cân nhắc việc đưa nó vào danh sách “cần làm” của bạn, nhờ một người bạn đưa “ngày đi bộ” cho bạn mỗi tuần như là một món quà, hoặc yêu cầu bác sĩ của bạn kê toa đi bộ hoặc tham dự một lớp thể dục. Tất cả nghiên cứu cho thấy rằng để có cuộc sống khỏe mạnh hơn, dành thời gian để tập thể dục là khôn ngoan.

Kỹ thuật Tâm trí-Thể xác: Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng suy nghĩ, niềm tin, và cảm xúc của chúng ta có thể có tác động trực tiếp lên sức khỏe, và sức khỏe thể chất của chúng ta có thể tác động lên sức khỏe tâm thần. Tâm trí và thể xác của bạn liên kết với nhau. Áp dụng kỹ thuật tâm trí-thể xác vào hoạt động hằng ngày của bạn có thể giúp cải thiện trầm cảm.

Dù 5 đến 10 phút của bất cứ kỹ thuật nào cũng có thể có lợi. Sau đây là một vài kỹ thuật để thử:

  • Thiền
  • Cầu nguyện
  • Hít thở sâu
  • Châm cứu
  • Yoga
  • Xoa bóp
  • Nghe nhạc
  • Sáng tạo nghệ thuật
  • Tưởng tượng có định hướng
  • Ghi nhật ký

Thực phẩm chức năng: Những loại thảo dược bán không cần toa như hoa ban Âu (St. John’s Wart, Hyperium perforatum) và những loại thực phẩm chức năng khác như SAMe và acid béo omega-3 đang được nghiên cứu và/hoặc đang được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ và châu Âu để điều trị các triệu chứng trầm cảm. Hiện tại, đối với các thuốc không kê toa tại Hoa Kỳ, không có tiêu chuẩn rõ ràng nào để quyết định lượng hoạt chất một công ty cho vào sản phẩm của họ hoặc liều nào là phù hợp với một người cụ thể. Rất khó để xác định hiệu quả của một sản phẩm, và có thể có tác dụng phụ có hại. Ví dụ, Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đã ban hành một thông báo cảnh báo rằng hoa ban Âu có thể ảnh hưởng con đường chuyển hóa được nhiều thuốc kê toa dùng để điều trị một số bệnh lý, bao gồm bệnh tim, trầm cảm, và nhiễm HIV.

Nếu bạn đang sử dụng bất cứ thảo dược nào hoặc đang cân nhắc sử dụng chúng, hãy thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn để đảm bảo rằng những thuốc này không ảnh hưởng đến bất cứ trị liệu nào khác của bạn.

Liệu pháp Ánh sáng: Người chăm sóc cảm thấy buồn khi ru rú ở trong nhà hoặc do ảnh hưởng của những ngày xám xịt mùa đông có thể mắc chứng Rối loạn Cảm xúc theo Mùa (Seasonal Affective Disorder, SAD) còn được gọi là “trầm cảm mùa đông.” Khi đổi mùa, đồng hồ sinh học nội tại hoặc nhịp ngủ thức của chúng ta sẽ có sự chuyển dịch, một phần là để đáp ứng với những thay đổi của ánh nắng mặt trời. Điều này có thể làm cho đồng hồ sinh học của chúng ta mất đồng bộ với lịch trình hằng ngày của bản thân. Người bị SAD có thể gặp khó khăn để điều chỉnh với lượng ánh sáng mặt trời ít ỏi vào các tháng mùa đông. Triệu chứng của SAD rõ ràng nhất vào tháng Một và Hai, khi ban ngày ngắn nhất. SAD thường bị chẩn đoán nhầm là suy giáp, hạ đường huyết, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, và những bệnh nhiễm virus khác.

Liệu pháp ánh sáng, sử dụng những đèn huỳnh quang được thiết kế đặc biệt, đã được chứng tỏ đảo ngược các triệu chứng trầm cảm của SAD. Nhiều chuyên gia tin rằng liệu pháp ánh sáng hoạt động bằng cách thay đổi nồng độ của một số hóa chất nhất định trong não, cụ thể là melatonin. Thuốc chống trầm cảm cùng với những phương pháp trị liệu khác, bao gồm tập thể dục, cũng có thể giúp ích. Nếu bạn gặp triệu chứng trầm cảm theo mùa, hãy thử nghiệm với việc tăng ánh sáng ở môi trường xung quanh bạn, bằng đèn hoặc những nguồn khác. Nếu triệu chứng đủ nặng nề để ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của bạn, hãy gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần có chuyên môn về điều trị SAD.

Chi trả cho điều trị

Bảo hiểm sức khỏe tư nhân và Medicare có thể chi trả một vài dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, và Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act, ACA) đã gia tăng phạm vi bảo hiểm cho các phúc lợi về sức khỏe tâm thần. Chính sách khác biệt rất lớn, nên tốt nhất là gọi trực tiếp cho chuyên gia sức khỏe tâm thần để biết liệu họ có chấp nhận chi trả bảo hiểm của bạn không. Nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm sức khỏe sẽ thường liệt kê những chuyên gia sức khỏe tâm thần trong cùng tài liệu bảo hiểm mà liệt kê những bác sĩ y khoa có trong kế hoạch bảo hiểm sức khỏe. Người có Medicare sẽ có quyển sách nhỏ tiêu đề, “Medicare và Phúc lợi Sức khỏe Tâm thần của Bạn” một nguồn thông tin hữu ích. Xem phần Nguồn lực của tài liệu này để biết cách có được một bản của quyển sách này.

“Dịch vụ được bảo hiểm” của kế hoạch bảo hiểm sẽ nêu cụ thể phạm vi bảo hiểm sức khỏe tâm thần cho chăm sóc bệnh nhân nội trú (bệnh viện, trung tâm điều trị) và ngoại trú (phòng khám chuyên gia), bao nhiêu lần khám được chi trả, và tỷ lệ hoàn trả. Người chăm sóc có việc làm còn có thể tiếp cận Chương trình Hỗ trợ Nhân viên, với những chuyên gia được cấp phép (thường là chuyên gia tâm lý hoặc nhân viên công tác xã hội) để có các buổi được bảo mật để thảo luận những vấn đề riêng tư hoặc công việc.

Những chuyên gia không chấp nhận bảo hiểm được gọi là “người cung cấp dịch vụ nằm ngoài mạng lưới,” và họ có thể đưa cho bạn hóa đơn để bạn có thể nộp cho bên bảo hiểm của bạn để được hoàn trả một phần. Hãy kiểm tra với chuyên gia xem liệu có lựa chọn này không. Nếu có, bạn sẽ phải liên hệ với công ty bảo hiểm của mình để đảm bảo rằng họ sẽ gánh vác một phần chi phí. Họ có thể yêu cầu bạn phải đạt một khoản khấu trừ trước khi họ bắt đầu chi trả.

Người chăm sóc không có bảo hiểm sức khỏe hoặc người tự chi trả bằng tiền túi cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ thấy rằng chi phí sẽ thay đổi tùy theo chuyên gia và vùng miền, với những bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý sẽ tính giá ở mức cao hơn trên thang giá, và những nhà trị liệu và nhân viên công tác xã hội sẽ cung cấp dịch vụ ở mức giá vừa phải hơn. Một vài chuyên gia sẽ cung cấp một thang giá dao động, nghĩa là họ có thể điều chỉnh chi phí của mình xuống để đáp ứng nhu cầu của bạn. Cũng có thể có những phòng khám giá thấp có mức giá thấp cố định hoặc sẽ tính phí dựa trên khả năng chi trả của bạn. Ở những địa điểm như thế này, bạn sẽ thường được một nhân viên sức khỏe tâm thần thực tập khám với sự giám sát của một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần có giấy phép. Trong bất cứ trường hợp nào, hãy tìm hiểu xem chi phí là bao nhiêu trước để tránh bất cứ hiểu nhầm nào sau đó.

Chiến thuật để giúp bản thân

Rối loạn trầm cảm có thể làm cho bạn cảm thấy kiệt sức, bất lực, và vô vọng. Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như thế có thể làm cho một số người cảm thấy muốn buông xuôi. Rất quan trọng để nhận ra rằng những quan điểm tiêu cực này là một phần của trầm cảm và có thể không phản ánh chính xác hoàn cảnh. Sau đây là những hướng dẫn theo các khuyến cáo của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia để đối phó với trầm cảm. Đặt ra những mục tiêu thực tế có cân nhắc đến bệnh trầm cảm. Bạn có thể không thể hoàn thành được nhiều như là bạn đã quen trước đây khi bạn còn khỏe mạnh.

  • Hãy phân những tác vụ lớn thành những công việc nhỏ hơn, đặt ra một vài ưu tiên, và làm những gì trong khả năng.
  • Cố gắng dành thời gian với người khác và tâm sự với ai đó bạn biết và tin tưởng; điều này tốt hơn là phải chịu đựng một mình.
  • Tham gia vào những hoạt động làm bạn cảm thấy tốt hơn, như là tập thể dục, đi xem phim hoặc một trận đấu bóng, hoặc tham gia một sự kiện tôn giáo, xã hội, hoặc cộng đồng.
  • Mong đợi rằng tâm trạng của bạn sẽ cải thiện từ từ, chứ không phải ngay lập tức. Cần thời gian để cảm thấy tốt hơn.
  • Nên trì hoãn những quyết định quan trọng cho đến khi bệnh trầm cảm đã bớt. Trước khi quyết định đưa ra một sự chuyển tiếp to lớn—đổi việc, kết hôn hoặc ly dị—hãy thảo luận với những người khác biết rõ về bạn và có thể đưa ra một góc nhìn khác cho tình huống của bạn.
  • Người ta hiếm khi “nhanh chóng vượt qua” trầm cảm. Người nào mong đợi bạn như thế đã có sự hiểu biết sai lầm về bệnh tình của bạn.
  • Hãy nhớ, suy nghĩ tích cực và thực hành những cách đối phó mới sẽ thay thế suy nghĩ tiêu cực mà là một phần của bệnh trầm cảm. Suy nghĩ tiêu cực sẽ giảm bớt khi bệnh trầm cảm của bạn đáp ứng với điều trị.
  • Hãy nói “có” với những lời đề nghị giúp đỡ và can thiệp của gia đình và bạn bè mà bạn biết và tin tưởng.

Việc hỗ trợ trực tiếp trong việc chăm sóc người thân của bạn, như là chăm sóc hộ để cho bạn nghỉ ngơi, cũng như là phản hồi tích cực từ những người khác, độc thoại tích cực, và các hoạt động giải trí được liên kết với mức độ trầm cảm thấp hơn. Hãy tìm kiếm những lớp học và nhóm hỗ trợ thông qua các tổ chức hỗ trợ người chăm sóc để giúp bạn học hỏi và thực tập những chiến thuật giải quyết vấn đề và đối phó hiệu quả cần thiết cho công việc chăm sóc. Vì sức khỏe của bạn và những người xung quanh bạn, hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân.

Nguồn lực

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia)

(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang web: www.caregiver.org
E-mail: info@caregiver.org (liên kết gửi e-mail)
Dịch Vụ Hỗ Trợ Chăm Sóc Cá Nhân FCA
FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/login
Services by State: https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua đào tạo, các dịch vụ, nghiên cứu và vận động. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về xã hội, chính sách công cộng, và các vấn đề chăm sóc và cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình công cộng và cá nhân dành cho những người chăm sóc. Đối với cư dân Vùng Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho người chăm sóc những người mắc bệnh Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não, Parkinson, và các tình trạng làm suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.

Tìm một chuyên gia tại khu vực của bạn

Bác sĩ tâm thần (MD): Bác sĩ tâm thần là bác sĩ y khoa có chuyên môn về chẩn đoán, điều trị, và phòng ngừa bệnh tâm thần, bao gồm lạm dụng và nghiện chất.

  • Hiệp Hội Tâm Thần Hoa Kỳ
    https://www.psychiatry.org/(liên kết bên ngoài)
    Cung cấp thông tin miễn phí về trầm cảm và giới thiệu đến khám các bác sĩ tâm thần trong khu vực của bạn.

Bác Sĩ Tâm Lý (PhD): Được cấp phép để thực hiện tâm lý trị liệu và được đào tạo đặc biệt về kiểm nghiệm tâm lý. Mặc dù được gọi là “bác sĩ” nhưng bác sĩ tâm lý không thể kê toa thuốc.

  • Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ
    www.apa.org (liên kết bên ngoài)
    Truy cập trang web của APA để biết thêm thông tin về trầm cảm, hoặc gọi số điện thoại miễn phí để được giới thiệu đến khám một bác sĩ tâm lý trong khu vực của bạn.

Nhân Viên Công Tác Xã Hội Lâm Sàng có Giấy Phép (LCSW): Được cấp phép để thực hiện tâm lý trị liệu, với sự đào tạo đặc biệt trong việc tiếp cận con người trong môi trường sống của họ. Có đào tạo chuyên biệt về hành vi con người, hành vi gia đình, tâm lý học, và giải quyết vấn đề. Có bằng Thạc sĩ về Công Tác Xã Hội (MSW) với hai năm làm việc có giám sát hậu đại học cung cấp điều trị lâm sàng.

  • Hiệp Hội Nhân Viên Công Tác Xã Hội Quốc Gia
    www.naswdc.org (liên kết bên ngoài)
    Cung cấp thông tin miễn phí về trầm cảm và giới thiệu đến khám các nhân viên công tác xã hội trong khu vực của bạn.

Nhà Trị Liệu Hôn Nhân và Gia Đình có Giấy Phép (LMFT): Được cấp phép để thực hiện tâm lý trị liệu và được đào tạo để chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Làm việc với những cá nhân, cặp đôi, gia đình và nhóm. Có bằng Thạc sĩ về Tư vấn Tâm lý với kinh nghiệm làm việc sau đại học có giám sát.

  • Hiệp Hội Nhà Trị Liệu Hôn Nhân và Gia Đình Hoa Kỳ
    www.aamft.org (liên kết bên ngoài)
    Viếng thăm trang web của họ để tìm nhà trị liệu trong khu vực của bạn.

Lưu ý: Những chuyên gia khác có thể được cấp phép để thực hiện tâm lý trị liệu tại bang hoặc quốc gia của bạn. Hãy kiểm tra với sở sức khỏe tâm thần địa phương hoặc bệnh viện trong cộng đồng của bạn để biết thêm thông tin.

 

Những tổ chức và đường dẫn Khác

Medicare
www.medicare.gov (liên kết bên ngoài)
Gọi 1-800-MEDICARE (1-800-633-4227) để yêu cầu một bản sao quyển “Medicare và Phúc lợi sức khỏe tâm thần của bạn.”

Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia
www.nimh.nih.gov (liên kết bên ngoài)
Cung cấp thông tin miễn phí về bệnh trầm cảm và những bệnh tâm thần khác bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha.

Viện Y Khoa Bổ Trợ và Thay Thế Quốc Gia
nccam.nih.gov (liên kết bên ngoài)
 

Tài liệu khuyến nghị

The Caregiver Helpbook (Sách Chỉ dẫn cho Người Chăm sóc): Powerful Tools for Caregiving (Công cụ Mạnh mẽ cho Công việc Chăm sóc) (đường dẫn ra ngoài)
www.powerfultoolsforcaregivers.org (đường dẫn ra ngoài)

Caring for Yourself While Caring for Your Aging Parents, Third Edition (Chăm sóc Bản thân Khi Chăm sóc cho Cha mẹ Già của Bạn, Tái bản lần Ba): How to Help, How to Survive (Cách để Giúp, Cách để Tồn tại) (đường dẫn ra ngoài), Claire Berman. Tái bản lần 3 New York: Henry Holt, 2005.

Hãy giúp hỗ trợ Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia đình bằng cách chọn FCA là Tổ Chức Từ Thiện Amazon Smile của bạn!


Tài liệu này được Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình chuẩn bị và được xét duyệt bởi Beth MacLeod, Nhân viên Công tác Xã hội có Giấy phép Lâm sàng (LCSW) trong khu vực hành nghề tư nhân chuyên về tư vấn chăm sóc và tâm lý trị liệu, người giám sát lâm sàng cho các chuyên gia về lão hóa và những ai làm việc với những người chăm sóc gia đình. © 2002, 2008, 2016 Family Caregiver Alliance. Tất cả các quyền được bảo hộ.