Tổ Chức Họp Gia Đình (Holding a Family Meeting)
Khi chăm sóc cha mẹ cao tuổi hoặc người thân khác, các thành viên gia đình cần hợp tác với nhau. Càng có nhiều người tham gia vào việc chăm sóc, thì người chăm sóc càng cảm thấy ít đơn độc hơn trong vai trò của mình. Các cuốn sách và bài viết về việc chăm sóc thường đề cập đến cuộc họp gia đình như là một cách để tạo thuận lợi cho qua trình này. Nhưng một cuộc họp như vậy diễn ra như thế nào?
Những ai nên tham dự?
Mỗi gia đình đều khác nhau. Trong một vài gia đình, chỉ có người chồng/vợ và con của họ được coi là “gia đình.” Trong những gia đình khác, cô dì, chú bác, anh em họ, họ hàng bên vợ/chồng hiện tại và cũ, và cả bạn thân có thể được bao gồm trong khái niệm gia đình. Khi lên kế hoạch cho cuộc họp gia đình, điều quan trọng là phải bao gồm tất cả mọi người mà đang hoặc sẽ là một phần của nhóm chăm sóc, và điều này có thể bao gồm cả bạn bè của gia đình, hàng xóm hoặc người chăm sóc được trả lương.
Đôi khi cũng có ích khi bao gồm sự trợ giúp của người hỗ trợ bên ngoài, như là nhân viên công tác xã hội hoặc mục sư để giúp gia đình trao đổi về các chủ đề khó trong cuộc họp. (Điều này được thảo luận chi tiết hơn ở dưới.)
Cũng phải đưa ra quyết định xem có cho thành viên gia đình bị bệnh tham gia vào cuộc họp hay không. Thành viên gia đình thường không muốn bị loại ra khỏi sự kiện gia đình, và cũng cần xem xét những mong muốn chăm sóc của họ. Tuy nhiên, nếu một người bị sa sút trí tuệ hoặc tình trạng khác khiến họ có thể hiểu nhầm mục đích cuộc họp, thì việc tiến hành ít nhất cuộc họp đầu tiên không có họ có thể phù hợp. Thêm vào đó, các thành viên khác trong gia đình có thể cần phải chia sẻ với nhau những suy nghĩ hoặc cảm xúc của họ mà có thể khiến người bệnh đau lòng. Xem xét tổ chức cuộc họp tập trung vào các vấn đề này và tổ chức một buổi họp thứ hai có mặt người bệnh.
Chúng tôi nên bắt đầu như thế nào?
Giao tiếp là chìa khóa để làm việc thành công trong một nhóm người. Nếu một số thành viên trong gia đình gặp khó khăn trong việc di chuyển đến địa điểm họp, công nghệ có thể trợ giúp: sử dụng cuộc gọi hội nghị hoặc dùng điện thoại có loa có thể giúp họ tham gia dễ dàng hơn. Cũng nên gửi một bản ghi hình hoặc ghi âm cuộc họp cho tất cả các thành viên gia đình không thể tham gia. Bằng việc dùng email, thậm chí những người không ở gần cũng có thể cập nhật tình hình.
Trước cuộc họp, bạn có thể thấy việc chuẩn bị nội dung họp là hữu ích. Một người trong gia đình sẽ giới thiệu chung ý tưởng của cuộc họp và sắp xếp ngày và địa điểm. Người đó cũng có thể xây dựng nội dung cuộc họp và gửi cho tất cả các thành viên gia đình trước khi bắt đầu. Các thành viên gia đình sau đó có thể chia sẻ ý kiến của mình và gợi ý thêm vào các mục khác.
Nội dung họp có thể bao gồm các chủ đề như:
- Báo cáo cuối cùng từ bác sĩ
- Chia sẻ cảm giác về bệnh/việc chăm sóc
- Mối lo sợ:
- Về cái chết
- Về việc bị quá tải
- Về những điều sẽ xảy ra với các thành viên gia đình sau cái chết
- Nỗi buồn, sự lẫn lộn, tức giận, tội lỗi, xấu hổ
- Người bệnh muốn gì và cần gì?
- Mối lo sợ:
- Các nhu cầu chăm sóc hàng ngày:
- Người bệnh có cần chuyển vào sống cùng chúng ta không?
- Người đó có cần ở trong cơ sở sinh hoạt có trợ giúp hoặc nhà điều dưỡng không?
- Mỗi thành viên gia đình cần đến thăm bao lâu?
- Mỗi người có thể giúp theo cách nào khác? Có thể có cách trợ giúp nào khác?
- Lo ngại về tài chính trong việc chăm sóc:
- Chi phí sẽ là bao nhiêu?
- Các thành viên gia đình có thể mất bao nhiêu thời gian làm việc?
- Có thể có những trợ giúp tài chính nào từ bên ngoài?
- Ai sẽ là người quyết định (ví dụ về tài chính, y tế, thuê người chăm sóc, v.v.) và sẽ đưa ra quyết định như thế nào?
- Mỗi người muốn đóng vai trò hỗ trợ nào?
- Người chăm sóc chính cần loại hỗ trợ nào?
- Cần nghỉ ngơi (nghỉ chăm sóc)
- Giúp đỡ về bữa ăn, mua sắm, dọn dẹp, giặt giũ, v.v.
- Trợ giúp về tình cảm bằng cách gọi điện hoặc email
- Giúp việc vặt—ví dụ đưa người được chăm sóc đến buổi hẹn khám bác sĩ
- Việc chăm sóc và trợ giúp cần thay đổi như thế nào khi bệnh tiến triển?
- Giải quyết vấn đề
- Danh sách các công việc cần làm
- Tổng kết cuộc họp và lên lịch cuộc họp tiếp theo
- Tổng kết bằng văn bản những điều mỗi người đã đồng ý
- Danh sách email hoặc số điện thoại để cập nhật định kỳ
Sẽ khó có thể bao gồm tất cả các vấn đề này trong một cuộc họp, nên các cuộc họp bổ sung sẽ có ích. Mỗi cuộc họp sau đó cần có thời gian biểu rõ ràng và thời gian bắt đầu và kết thúc xác định. Hãy chắc chắn bám theo thời gian biểu; nếu cuộc họp quá dài, mọi người sẽ mệt mỏi, mất tập trung và sẽ không muốn đến các cuộc họp tiếp theo.
Cuộc họp
Cũng như mọi thương lượng cấp cao, việc quyết định nơi tổ chức cuộc họp cũng có thể gây tranh cãi như chính cuộc họp. Dù bạn tổ chức nó ở văn phòng, nhà hàng hoặc nhà một người nào đó, hãy nhớ rằng bạn muốn một nơi mà đa số những người tham gia sẽ thấy thoải mái và thuận tiện và có ít điều gây xao lãng nhất có thể (ví dụ: tiếng ồn, trẻ nhỏ cần chú ý, v.v.).
Một cuộc họp gia đình thành công cho mọi người cơ hội được lắng nghe. Mọi cảm xúc đều phù hợp và cần được bày tỏ và ghi nhận. Mọi người sẽ sẵn sàng nói về cảm xúc của họ về tình huống hơn nếu họ cảm thấy an toàn. Ví dụ, một người anh trai không bao giờ có mặt có thể tiết lộ rằng anh ta không thể chịu đựng việc nhìn thấy ai đó bị ốm, và người chị gái đang làm tất cả mọi việc có thể không nhận ra cô ấy đã đẩy những người khác ra xa như thế nào khi họ đề nghị giúp đỡ. Anh chị em khác có thể có vấn đề về hôn nhân mà họ chưa chia sẻ với gia đình, và người khác có thể lo lắng về việc mất việc. Mỗi người cần phải cân bằng nỗi sợ hãi, lo ngại, tình yêu thương và mong muốn của chính mình để giúp đỡ với thời gian, sức lực, điểm yếu và hy vọng có sẵn.
Cho đến khi xác định được toàn bộ phạm vi vấn đề liên quan đến thành viên gia đình bị bệnh, điều quan trọng là không cố gắng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ghi lại vấn đề vào danh sách khi chúng được chia sẻ sẽ có ích khi đến phần giải quyết vấn đề của cuộc họp.
Điều quan trọng là mỗi thành viên gia đình học cách dùng thông điệp “Tôi”, cũng như nói “Tôi cần …” thay vì “Bạn nên …” Thậm chí khi bất đồng, hãy cố gắng tìm những phần mà bạn có thể đồng ý. Mục tiêu của cuộc họp là để làm việc như một nhóm chăm sóc cho người bệnh, thậm chí khi có mâu thuẫn giữa các thành viên gia đình về lĩnh vực khác.
Tại cuối cuộc họp, hãy đảm bảo mọi người đều hiểu rõ các vấn đề và xem xét đã thảo luận. Khi đã xây dựng giải pháp cho vấn đề, hãy đảm bảo mỗi người đều hiểu những việc họ đã đồng ý làm.
Điều quan trọng nhất là các thành viên gia đình phải nhớ rằng cuộc họp không chỉ diễn ra một lần. Cần tổ chức cuộc họp gia đình định kỳ. Việc lên lịch họp vào thời gian cố định, có thể là cùng một thời điểm mỗi tháng, sẽ có ích. Tuy nhiên, nếu không thể, ít nhất cần tiến hành cuộc họp khi tình hình chăm sóc hoặc các tình hình khác trong cuộc sống của các thành viên gia đình thay đổi. Việc tổ chức cuộc họp định kỳ giảm áp lực cho các thành viên gia đình khi phải giải quyết mọi thứ chỉ trong một cuộc họp, và cho phép có nhiều thời gian để xử lý thông tin và đưa ra quyết định hơn. Khi một thành viên gia đình không thể tham gia cuộc họp, hãy liên hệ với họ bằng điện thoại, thư hoặc email.
Thách thức tiềm ẩn
Gia đình đi liền với lịch sử: lịch sử về cách mỗi người liên quan đến những người khác, lịch sử về vai trò mà mỗi người đã và đang đảm nhận trong gia đình, lịch sử về cảm giác của mỗi người về người bệnh và lịch sử về cách mỗi người xử lý với bệnh tật và nghịch cảnh. Và trong mỗi gia đình, có các quy tắc về những việc có thể và không thể nói ra, những cảm xúc có thể và không thể biểu hiện. Những yếu tố này có thể khiến cuộc họp gia đình trở nên khó khăn. Đó là lý do vì sao người hỗ trợ bên thứ ba có thể có ích.
Thành viên gia đình có vai trò dựa trên vị trí của họ trong gia đình, mối quan hệ với người bệnh, khả năng đặc biệt, v.v. Người chăm sóc có thể khác với người xử lý tiền bạc, có thể khác với người thu thập thông tin, có thể khác với người đưa ra quyết định hoặc người có kiến thức về y tế. Một người có thể giữ nhiều vai trò. Thường thì, một người là “người đổ lỗi” và một người khác là người “bị đổ lỗi.” Một người có thể cố gắng hòa giải, và người khác có thể cố gắng phá hoại quy trình. Sẽ có những bí mật, sự ganh đua cũ trong gia đình, tội lỗi, gánh nặng bất bình đẳng, sự khác nhau trong đầu tư, giá trị và mối quan tâm. Một vài người sẽ lo lắng về những lời hứa trong quá khứ và về một người khác đang không thực hiện nhiệm vụ của mình. Mọi người sẽ cần được chú ý, quyền lực, tình yêu, sự kiểm soát và sự biết ơn. Việc biết rằng có thể sẽ không có cách phân chia công việc công bằng sẽ có ích và việc cố gắng phân chia công bằng sẽ thất bại.
Tập trung vào vấn đề hẹp trong mỗi cuộc họp có thể giúp tránh được những cạm bẫy. Tuy nhiên, bạn sẽ phải xử lý một số vấn đề khó khăn khi chúng cản trở việc hợp tác. Hãy nhớ bạn không thể giải quyết vấn đề gia đình đã có từ lâu chỉ trong một cuộc họp như vậy. Công việc không phải là “sửa chữa” gia đình, mà là tập hợp mọi người, càng nhiều càng tốt, để chăm sóc cho người bệnh.
Nếu rượu làm lạc hướng khỏi mục tiêu chính của cuộc họp hoặc có thể gây mâu thuẫn, tốt nhất là không nên mời rượu. Tuy nhiên, mỗi gia đình có cách giao tiếp khác nhau, và trong một vài gia đình, uống rượu có thể giúp mọi người cảm thấy thoải mái và dễ nói hơn. Dù thế nào, cũng nên tránh uống quá nhiều.
Các tình huống đôi bên cùng có lợi
Đồng thuận: Không phải mọi vấn đề có sẵn trong việc chăm sóc và đưa ra quyết định có thể được giải quyết, đôi khi điều quan trọng là cần chấp nhận giải pháp tốt tương đối. Hãy cố gắng hướng về việc xây dựng đồng thuận. Thay đổi diễn ra chậm, nhưng khi thành viên gia đình gặp nhau thường xuyên, hạt giống đã được gieo có thể nảy thành những giải pháp hiệu quả hơn. Thường thì mọi thứ không thay đổi cho đến khi có khủng hoảng, nhưng những việc đã làm trong cuộc họp gia đình sẽ giúp đưa ra quyết định dễ dàng hơn khi có khủng hoảng. Có thể đưa ra những thỏa thuận trong khoảng thời gian hạn chế để xem liệu hành động đã đồng ý có hiệu quả hay không. Có thể sử dụng những cuộc họp trong tương lai để đánh giá những thử nghiệm này và sửa lại nếu cần.
Tôn trọng sự riêng tư và tình trạng của mỗi người giúp xây dựng bầu không khí chấp nhận và cho phép giải quyết năng động các vấn đề. Ví dụ, Carol thấy khó chịu khi ở quanh người bệnh, cho nên khi anh cô ấy bị ung thư phổi, cô ấy biết rằng mình không thể chăm sóc cho anh ta. Tuy nhiên, cô ấy sẵn sàng làm mì Ý và mang đến cho anh ấy để giúp anh thoải mái hơn trong khi ốm. Jesse sống cách xa hàng nghìn dặm, nhưng có thể xin nghỉ để ở với mẹ trong khi anh trai và gia đình anh ấy đi nghỉ. Khi mẹ của Ed phẫu thuật, Ed thu xếp chăm sóc người cha bị Alzheimer của mình, trong khi chị anh làm việc toàn thời gian và giúp đỡ về chi phí. Gina đưa cha mẹ đến buổi hẹn khám y tế khi chị cô ấy đảm bảo rằng họ dùng đúng thuốc mỗi đêm.
Thỏa hiệp: Để những giải pháp này có tác dụng, mọi người cần phải học cách thỏa hiệp. Bằng cách mở lòng với những giải pháp thay thế, bạn có thể có một phần—dù có thể không phải tất cả—những gì bạn muốn hoặc cần. Chúng ta thường chỉ giữ lại một giải pháp cho một vấn đề, chúng ta không xem xét những khả năng khác có thể giúp đỡ mình. Yêu cầu giúp đỡ là một trong những việc khó nhất phải làm. Học cách nhận giúp đỡ một cách lịch sự có thể khó khăn, không chỉ cho người bị bệnh mà cho cả người chăm sóc chính. Biết ơn là phần thưởng tốt nhất bạn có thể cho người đang cố giúp đỡ bạn, thậm chí nếu loại giúp đỡ mà người đó làm không đúng như những gì bạn muốn. Khi bạn khiến người khác cảm thấy tốt khi giúp đỡ, họ sẽ muốn giúp thêm lần nữa. “Cảm ơn” sẽ giúp bạn tiến xa khi làm việc cùng nhau. Trong khi xây dựng nhóm chăm sóc, hãy nghĩ về cách ghi nhận cho từng người.
Viết điều đó ra giấy: Một thỏa thuận bằng văn bản về những quyết định và thỏa thuận được đưa ra ở cuối cuộc họp có thể là lời nhắc có ích cho các thành viên gia đình. Phân phát lịch có những ngày khác nhau được đánh dấu cùng với trách nhiệm và cam kết có thể giúp mỗi người tôn trọng thỏa thuận đã đưa ra.
Khi nào bạn cần trợ giúp từ bên ngoài? Bạn có thể nhận từ đâu?
Mặc dù cuộc họp gia đình có thể là cách công hiệu và hiệu quả để kết nối và làm việc với các thành viên gia đình, chúng không thể giải quyết các vấn đề về việc chăm sóc người bệnh một cách kỳ diệu. Khi gia đình gặp khó khăn trong việc làm việc cùng nhau hoặc đi đến thỏa thuận hoặc khi gia đình bị chia rẽ bởi một vấn đề lớn, việc mời một người hỗ trợ trung lập từ bên ngoài tham gia thường có ích. Đôi khi, khủng hoảng khiến cho cần phải có một cuộc họp—như là một người đang nằm viện và cần đưa ra quyết định lớn liên quan đến sống và chết. Thời gian có thể là quan trọng nhất. Bất cứ điều gì các bạn đã làm cùng nhau trước đây sẽ có ích vào những thời điểm cực kỳ căng thẳng này.
Nhân viên công tác xã hội từ các tổ chức người chăm sóc địa phương (như là Trung Tâm Nguồn Lực Người Chăm Sóc ở California), cũng như các mục sư, người quản lý trường hợp cá nhân, nhân viên công tác xã hội từ cơ sở chăm sóc sức khỏe tại nhà hoặc nhà tế bần, bác sĩ và người lên kế hoạch xuất viện ở bệnh viện và nhà điều dưỡng có thể hỗ trợ cuộc họp gia đình hoặc giới thiệu cho bạn người có thể làm vậy. Chuyên viên trị liệu tâm lý hành nghề tư cũng được đào tạo để tư vấn cho gia đình. Nếu bạn gặp tình huống khó khăn, bạn cũng có thể muốn nói chuyện riêng với chuyên viên trị liệu tâm lý. Đừng quên sự hỗ trợ bạn có thể thấy từ bạn bè, đồng nghiệp và các nhóm hỗ trợ. Chia sẻ trải nghiệm với những người chăm sóc khác có thể giúp xoa dịu cảm giác và sự chán nản liên quan đến việc là người chăm sóc.
Nguồn lực
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia
(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang web: www.caregiver.org
Email: info@caregiver.org (liên kết gửi e-mail)
FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/login
Services by State: https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/
Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về xã hội, chính sách công cộng, và các vấn đề chăm sóc và cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình công cộng và cá nhân dành cho những người chăm sóc. Đối với cư dân Vùng Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp dịch vụ hỗ trợ gia đình trực tiếp cho người chăm sóc những người mắc bệnh Alzheimer, đột quỵ, thương tích ở đầu, Parkinson, và các tình trạng làm suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.
Tài liệu thông tin này được chuẩn bị bởi Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình và được Bác Sĩ Y Khoa John Neville, Điều Phối Viên Chăm Sóc Tinh Thần, Pathways Hospice xem xét. © 2003 Family Caregiver Alliance. Tất cả các quyền được bảo hộ.