FCA logo

Lộ Trình Hướng Tới Trao Đổi Thông Tin Hiệu Quả cho Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe và Người Chăm Sóc

Bất kể khi nào các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè chúng ta cần chăm sóc y tế, chúng ta thường tin cậy vào chuyên gia giải đáp các thắc mắc, chẩn đoán đúng cách và đề nghị các phương pháp điều trị. Trước đây, không ai thắc mắc về thẩm quyền của bác sĩ là người lãnh đạo có uy tín, dẫn dắt những buổi trao đổi về chăm sóc y tế với bệnh nhân của họ. Tuy nhiên, mọi thứ không còn như trước nữa ; mối quan hệ này đã đổi hướng.

Với một lượng thông tin và tài nguyên trực tuyến dồi dào, các bệnh nhân cũng như người chăm sóc của họ có thể tự trau dồi cho bản thân theo nhiều cách:

  • tìm kiếm các bác sĩ chuyên khoa
  • nghiên cứu về các căn bệnh, thuốc men và phương pháp điều trị
  • khám phá những phương cách thay thế
  • tìm hiểu người khác làm gì trong tình cảnh tương tự

Và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang chuyển sang hướng cộng tác để đạt được phương pháp điều trị và chăm sóc tối ưu.

Tờ thông tin này bao gồm những đề xuất giúp loại bỏ trở ngại và khuyến khích trao đổi thông tin hữu ích giữa quý vị và chuyên viên chăm sóc sức khỏe, cũng như lời khuyên để trở thành người bảo vệ quyền lợi thực sự thay cho người mà quý vị chăm sóc.

Bảo vệ quyền lợi: Tầm quan trọng trong vai trò của quý vị

Là người chăm sóc và bênh vực quyền lợi cho ban bè hoặc thành viên trong gia đình, quý vị thường có vai trò trung tâm trong việc cộng tác với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nếu người mà quý vị chăm sóc mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc các vấn đề về trí nhớ khác, thì trách nhiệm của quý vị đặc biệt quan trọng – các chuyên gia sức khỏe sẽ tin tưởng cậy nhờ quý vị chia sẻ chi tiết về trạng thái sức khỏe và tâm lý hiện tại của người đó. Quý vị cũng sẽ giải quyết nhiều nhiệm vụ quan trọng:

  • thu thập thông tin
  • trao đổi với bác sĩ
  • đưa đón bệnh nhân
  • đảm bảo hoàn thành các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm
  • lấy, chuẩn bị và cho dùng thuốc
  • nghiên cứu các lựa chọn điều trị và nguy cơ
  • xử lý bảo hiểm

Bên cạnh vai trò là người chăm sóc, hiện quý vị còn là người bênh vực quyền lợi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi quý vị trao đổi thông tin chính và câu chuyện nhỏ nhặt về người bạn hoặc thành viên trong gia đình quý vị, điều gì sẽ xảy ra nếu quý vị cảm thấy các bác sĩ, y tá hoặc thành viên khác của đội ngũ chăm sóc không lắng nghe mình?

Thật chẳng dễ dàng chấp nhận khi cảm thấy các chuyên gia không coi trọng ý kiến, những quan sát và hiểu biết sâu sắc từ quý vị. Tình thế đang rất nguy cấp, quý vị cần phải làm điều gì đó. Nhưng quý vị nên làm gì đây?

  • Hãy lập danh sách các thắc mắc, hồ sơ hoặc ghi chú trước khi trao đổi với bác sĩ. Nếu thấy dấu hiệu rằng quý vị có chuẩn bị khi đề cập đến một số chủ đề cụ thể, thì các bác sĩ sẽ tự nhiên chăm chú lắng nghe những gì quý vị nói hơn.
  • Lên tiếng. Không phải lúc nào cũng dễ dàng để tỏ ra tự tin. Quý vị có thể cần đào sâu tìm hiểu vấn đề – nhưng hãy nhớ rằng: tự tin không có nghĩa là hùng hổ. Và hùng hổ không phải cách giải quyết vấn đề, tương tự thì tỏ ra thụ động cũng sẽ không giúp ích được cho quý vị. Trao đổi thông tin một cách tự tin là công cụ tốt nhất để quý vị truyền đạt những điều cần thiết và nhận được những điều quý vị cần. Hãy tôn trọng và thẳng thắn. Sau đó, cho họ biết rằng quý vị cảm thấy bản thân không được lắng nghe.
  • Đề nghị hội ý riêng (trực tiếp hoặc trực tuyến) với tất cả những thành viên chính trong đội ngũ chăm sóc của bạn bè hoặc gia đình quý vị. Nếu nhận thấy thái độ ứng xử của họ có vẻ thờ ơ hoặc vội vã, hãy chấp nhận rằng quý vị biết họ bận rộn đến mức nào và xin họ dành một chút thời gian vào ngày hôm đó.
  • Gọi cứu viện. Nếu quý vị tiếp tục cảm thấy bị lờ đi, hãy đề nghị trao đổi với cán sự xã hội làm việc tại trung tâm y tế để yêu cầu họ can thiệp và giúp đỡ. Nếu quý vị vẫn cảm thấy không được lắng nghe, hãy liên hệ với thanh tra viên của trung tâm y tế hoặc người bênh vực quyền lợi bệnh nhân và gửi đơn khiếu nại.

Hãy biết rằng quý vị có hai vai trò rất quan trọng là người chăm sóc và người bênh vực quyền lợi bệnh nhân. Ngay cả khi quý vị nản chí thì cũng đừng cảm thấy bất lực. Quý vị có thể thực hiện một số bước để cải thiện tình hình.

Chuẩn Bị Cho Buổi Hẹn Khám Sức Khỏe

Chuẩn bị một chút sẽ rất hữu ích cho việc tương tác hiệu quả hơn với nhân viên y tế. Đây là những cách mà quý vị có thể giúp đỡ.

  • Lập một bản danh sách các mối quan tâm của quý vị và xếp theo thứ tự ưu tiên. Hãy thành thật và thẳng thắn. Đưa vào các thắc mắc về những điều quý vị quan sát được, thử thách thực tế hàng ngày hoặc các chủ đề nhạy cảm:
    • triệu chứng mới hoặc thay đổi về hành vi hoặc tâm trạng khiến quý vị lo lắng
    • phản ứng thuốc
    • thắc mắc về cuộc phẫu thuật hoặc thủ thuật sắp tới
    • mối lo ngại về tiên lượng và cách quý vị có thể tiếp tục thực hiện công việc chăm sóc tốt nhất khi bệnh trạng tiến triển
    • mất kiểm soát tiểu tiện hoặc những chủ đề khó khác, ngay cả khi chúng khiến quý vị cảm thấy không thoải mái

Không phải lúc nào mọi thắc mắc của quý vị cũng được giải đáp trong một buổi hẹn ngắn ngủi — vì vậy, trước tiên, quý vị sẽ cần đặt ra các thắc mắc quan trọng nhất.

  • Về quyền riêng tư, hãy đảm bảo hỏi bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị cần sự cho phép nào ghi để vào hồ sơ bệnh lý để chuyên gia chăm sóc sức khỏe được phép chia sẻ thông tin bệnh nhân với quý vị. (Xem thông tin đối với Đạo Luật về Trách Nhiệm Giải Trình và Tính Di Dộng của Bảo Hiểm Y Tế [Health Insurance Portability and Accountability Act, HIPAA] bên dưới.)
  • Gom góp tất cả các loại thuốc mà bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị dùng rồi hoặc cho thuốc vào túi để mang đến buổi hẹn hoặc chuẩn bị một danh sách bao gồm cả liều lượng dùng. Danh sách này cần bao gồm thuốc cần toa và thuốc không cần toa bác sĩ cũng như các thảo dược phẩm, thuốc bổ và khoáng chất bổ sung.
  • Mang theo thông tin về chương trình bảo hiểm và nhà cung cấp, bao gồm cả tên của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác mà người được quý vị chăm sóc đã gặp gần đây.
  • Mang theo thiết bị di động có lịch (ví dụ: điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng) hoặc lịch giấy bỏ túi để quý vị có thể lên lịch liền cho các buổi hẹn sau này.
  • Mang theo thiết bị ghi âm hoặc sổ tay và bút.
    • Ghi lại thông tin do bác sĩ cung cấp để quý vị tự mình xem lại hoặc chia sẻ với một thành viên trong gia đình hoặc người bạn đời sau buổi hẹn.
    • Hiện có rất nhiều ứng dụng ghi âm dành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng.
    • Nên cho bác sĩ biết quý vị mong muốn lưu lại bản ghi âm buổi trao đổi và với sự đồng ý của bác sĩ cho quý vị ghi âm cuộc nói chuyện.

Những Câu Cần Hỏi ở Buổi Hẹn Khám Sức Khỏe

  • Chẩn đoán bệnh là gì? Đây là tình trạng vĩnh viễn hay có thể phục hồi? Bệnh có tiến triển không (ví dụ: bệnh sẽ trở nặng không)? Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn này?

Hãy nhớ rằng bác sĩ có thể đã cung cấp thông tin về bệnh trạng này cho các bệnh nhân khác nhiều lần rồi, do đó việc này đối với các bác sĩ có thể chỉ là thông lệ thôi; nhưng đối với quý vị thì không và quý vị có thể cảm thấy bối rối hoặc khó hiểu khi nghe. Hãy đặt ra các câu hỏi cần thiết để quý vị hiểu rõ chẩn đoán.

  • Hiện có những phương pháp điều trị nào? Có những lợi ích hoặc nguy cơ nào? Tại sao phương pháp này được ưa chuộng hơn và khả năng điều trị thành công là bao nhiêu?
  • Thuốc bác sĩ cho toa có những phản ứng phụ nào? Bảo hiểm có đài thọ thuốc đó không? Nếu không, trong danh sách thuốc có loại nào mang lại hiệu quả tương đương để sử dụng thay thế không? Có thuốc thay thế khác ít tốn kém hơn không? Thuốc này có phản ứng với bất kỳ loại thuốc nào mà bạn bè hoặc thành viên trong gia đình tôi đã dùng không? Cần phải dùng thuốc như thế nào (thời gian giữa các lần dùng thuốc, có hoặc không kèm thức ăn, trong khoảng thời gian bao lâu)? Bao giờ chúng tôi có thể thấy hiệu quả?
  • Xét nghiệm này sẽ cho thấy điều gì? Xét nghiệm bao gồm những gì? Có nguy cơ hay phản ứng phụ không? Có cần thiết phải xét nghiệm không? Bao giờ chúng tôi nhận được kết quả? Bảo hiểm có đài thọ chi phí không?
  • Chúng tôi có cần đến buổi hẹn tái khám hay không? Nếu có thêm thắc mắc, tốt nhất tôi nên liên hệ với bác sĩ bằng cách nào? Bác sĩ có trả lời qua điện thư không?
  • Chúng tôi có cần gặp bác sĩ chuyên khoa không? Về việc tham khảo thêm ý kiến thứ nhì, chúng tôi có những lựa chọn nào?

Tại Bệnh Viện hoặc Phòng Cấp Cứu

Gặp các bác sĩ lâm sàng

  • Nếu người mà quý vị chăm sóc phải nhập viện, có thể quý vị sẽ gặp “bác sĩ chuyên khoa y học bệnh viện” (bác sĩ làm việc tại bệnh viện) thay vì bác sĩ thông thường của quý vị. Ngoại trừ thông tin sẵn có ngay trong hồ sơ bệnh lý, họ sẽ không nắm được bệnh sử của người mà quý vị đang chăm sóc hoặc không biết bệnh nhân là ai.
  • Là người chăm sóc quý vị có thể báo cho họ biết về bệnh sử, phản ứng dị ứng, bệnh mãn tính, triệu chứng và những thông tin thiết yếu khác. Quý vị cũng có thể cần cung cấp thông tin tương tự cho các y tá, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng và những người khác.
  • Nếu quý vị đang chăm sóc cho ai đó mắc chứng rối loạn trí nhớ, phải báo cho nhân viên bệnh viện biết điều đó để họ không căn cứ vào bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị khi trao đổi các chi tiết y tế quan trọng hoặc những thuốc men đã dùng. Hãy nhớ rằng người mắc bệnh Alzheimer hoặc một chứng rối loạn nhận thức khác có thể biểu hiện bối rối và mất định hướng hơn bình thường nhiều khi họ ở bệnh viện.
  • Ngay cả khi trong bệnh viện có nguồn thông tin điện tử chung, quý vị có thể cần phải lặp lại các câu trả lời của mình.
  • Hãy nhớ rằng quý vị có thể được hỏi đã có Lệnh Của Bác Sĩ về Điều Trị Duy Trì Sự Sống (Physicians Orders for Life Sustaining Treatment, POLST) hay các giấy tờ khác có hiệu lực về biện pháp duy trì sự sống, cũng như đã đưa ra quyết định cuối đời nào chưa.

Cập nhật và luôn được thông báo

  • Nếu quý vị không thể ở bệnh viện vào lúc bác sĩ đi thăm bệnh nhân, hãy đề nghị y tá yêu cầu bác sĩ điều trị gọi cho quý vị để cập nhật thông tin về tình trạng của bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị.
  • Khi nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá, hãy ghi lại tên của họ và hỏi cách liên lạc khi cần.
  • Hãy đảm bảo mọi người đều có số điện thoại nhà và/hoặc di động của quý vị.
  • Nếu bác sĩ gia đình của bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị chấp nhận điện thư, quý vị nên liên lạc với họ để thông báo rằng người mà quý vị chăm sóc đang ở viện và lý do vào viện. Nếu không, họ có thể tiếp nhận thông tin đó chậm trễ.
  • Chỉ nên chỉ định một người làm liên lạc để trao đổi thông tin với bác sĩ và những người còn lại trong gia đình. Một số trang mạng sẽ cho phép quý vị thiết lập một nhóm để cập nhật tình trạng về người mà quý vị chăm sóc. Hai ví dụ bao gồm https://lotsahelpinghands.com và CaringBridge.org.

Chuẩn bị xuất viện

Với vai trò là người bênh vực quyền lợi của bạn bè hoặc thành viên trong gia đình, quý vị có quyền phản đối quyết định cho ai đó xuất viện nếu quý vị cho rằng vẫn còn quá sớm hoặc sẽ không an toàn nếu xuất viện về nhà.

  1. Bước thứ nhất là nói chuyện với bác sĩ và người lập kế hoạch xuất viện để bày tỏ sự ngần ngại của quý vị. Quý vị nên ghi ra giấy – kể cả điện thư hoặc tin nhắn.
  2. Nếu vẫn chưa đủ, quý vị sẽ cần liên hệ với Medicare, Medicaid hoặc công ty bảo hiểm của mình.
  3. Các đơn kháng nghị chính thức sẽ được xử lý thông qua Tổ Chức Cải Thiện Chất Lượng Dịch Vụ Chăm Sóc với Người Thụ Hưởng và Gia Đình Làm Trọng Tâm (Beneficiary and Family Centered Care Quality Improvement Organization, BFCC-QIO). Để có số điện thoại của BFCC-QIO, hãy truy cập www.Medicare.gov/contacts, hoặc gọi 1‑800‑MEDICARE.

Chuyển về Nhà hoặc Cơ Sở: Trao Đổi Thông Tin

Nếu xuất viện về nhà

  • Tiếp nhận bằng văn bản. Hãy đảm bảo các giấy tờ xuất viện ở dạng văn bản dễ đọc, viết bằng ngôn ngữ chính của quý vị. Người lập kế hoạch xuất viện cần cùng quý vị xem lại các giấy tờ này.
  • Ai sẽ thực hiện công việc chăm sóc? Nếu bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị sắp về nhà, ai sẽ túc trực hỗ trợ? Nếu thể chất của quý vị có hạn, có công việc làm, bổn phận chăm sóc con cái hoặc các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc người khác, hãy thông báo việc này với nhân viên phụ trách xuất viện. Có thể cần đến các y tá chăm sóc sức khỏe, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia trị liệu nghề nghiệp hoặc phụ tá tại nhà. Hỏi các dịch vụ này được chi trả như thế nào.
  • Quý vị cần cảnh giác những vấn đề tiềm ẩn nào, khi người mà quý vị chăm sóc hồi phục?
  • Quý vị có cần được huấn luyện về cách sử dụng thiết bị, dụng cụ hoặc kỹ thuật nào không? Bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị có cần làm kiểm tra huyết áp, đặt ống truyền dinh dưỡng, ống thông, chăm sóc vết thương, máy thở, tiêm thuốc hay có cần giúp họ di chuyển từ giường ra ghế không? Yêu cầu được huấn luyện kỹ lưỡng để quý vị có thể thực hiện công việc chăm sóc tốt nhất tại nhà.
  • Quý vị có hiểu rõ cách cho người mà quý vị chăm sóc dùng thuốc sẽ cần không? Quý vị có nắm được tất cả các loại thuốc mới không? (Sai sót khi dùng thuốc là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân phải tái nhập viện.) Quý vị có biết thông tin về tác dụng phụ tiềm ẩn không?
  • Có cần điều chỉnh chế độ ăn uống đặc biệt nào không?
  • Nếu có thắc mắc sau khi xuất viện, quý vị có số điện thoại để liên hệ với nhân viên chăm sóc sức khỏe chưa? Có ai túc trực để giải đáp các thắc mắc 24/7 không?
  • Đã lên lịch hẹn tái khám với bác sĩ gia đình của bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị chưa?

Nếu Xuất Viện tới Cơ Sở Phục Hồi Chức Năng (PHCN) hoặc Cơ Sở Khác

  • Quá trình lựa chọn. Cơ sở sẽ được chọn như thế nào?
    • Đây là một cơ hội khác để quý vị hoàn thành nhiệm vụ của người bênh vực quyền lợi cho người mà quý vị chăm sóc nhằm đảm bảo họ được chuyển đến cơ sở tốt nhất do bảo hiểm đài thọ.
    • Liên lạc với bộ phận dịch vụ bệnh nhân hoặc hội viên về bảo hiểm y tế của bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị và yêu cầu một danh sách các cơ sở đủ điều kiện.
  • Cơ sở đó có cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao không?
    • Tự mình làm quen với quá trình và tìm hiểu những điều cần cân nhắc khi nghiên cứu. Hiệp Hội Người Về Hưu Hoa Kỳ (American Association of Retired Persons, AARP) cung cấp rất nhiều thông tin về đề tài này, bao gồm cả bài viết về quá trình tìm viện dưỡng lão sau đây. (https://www.aarp.org/caregiving/basics/info-2019/finding-a-nursing-home.html )
    • Hãy hỏi mọi người – chuyên gia chăm sóc sức khỏe, bạn bè, gia đình, hàng xóm – chia sẻ thông tin chi tiết về các cơ sở trong danh sách của quý vị.
    • Quý vị cũng có thể kiểm tra đánh giá chất lượng và các đặc điểm chính khác bằng công cụ Nursing Home Compare (So Sánh Viện Dưỡng Lão) tương tác trên trang web của Medicare. ( https://www.medicare.gov/care-compare/?providerType=NursingHome&redirect=true )
    • Nếu có thời gian, quý vị nên ghé thăm các cơ sở chăm sóc mà quý vị đang cân nhắc và kiểm tra trực tiếp. AARP cung cấp một danh sách kiểm tra hữu ích về những hạng mục cần tìm và hỏi thăm trong khi ghé qua địa điểm. ( https://assets.aarp.org/external_sites/caregiving/checklists/checklist_nursingHomes.html ). Nhìn chung, họ có một số lời khuyên tổng quát:
      • Để ý sự tươm tất của những người sống tại các cở sở đó. Răng, tóc, móng tay và quần áo.
      • Xem qua môi trường. Nơi đó có yên tĩnh không? Lộn xộn và ồn ào?
      • Quan sát nhân viên của cơ sở. Họ có biết tên của những người sống tại cơ sở không? Họ đối xử với người ở đó như thế nào?
  • Đưa đón. Thành viên trong gia đình và người chăm sóc có phương tiện di chuyển đến cơ sở không?
  • Dịch vụ thông dịch. Quý vị có cần thông dịch viên không?
  • Trao đổi thông tin với cơ sở. Thông tin về bệnh nhân sẽ được chia sẻ với nhân viên của cơ sở bằng cách nào và khi nào?
  • Trao đổi thông tin trong đội ngũ chăm sóc/giữa các nhà cung cấp. Giữa bệnh viện (hoặc phòng cấp cứu), cơ sở và bác sĩ gia đình sẽ trao đổi thông tin gì?
  • Ước tính thời gian ở cơ sở. Người mà quý vị chăm sóc có khả năng ở lại cơ sở với tư cách là bệnh nhân trong bao lâu? (Medicare thường sẽ đài thọ 20 ngày chăm sóc sau khi trực tiếp xuất viện từ bệnh viện.)
  • Bác sĩ chính tại cơ sở. Bác sĩ sẽ giám sát việc chăm sóc bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị ở cơ sở tên là gì?
  • Quản lý chăm sóc. Ai là người chính tại cơ sở – người mà quý vị có thể hỏi nếu có thắc mắc? Xin thông tin liên hệ của người này.

Vấn Đề Pháp Lý Ảnh Hưởng Tới Người Chăm Sóc

HIPAA: Đạo Luật về Trách Nhiệm Giải Trình và Tính Di Dộng của Bảo Hiểm Y Tế

Quý vị có thể đã nghe nói về các mục hạn chế của HIPAA. Các quy định của HIPAA ảnh hưởng tới việc chia sẻ thông tin của bệnh nhân khi chăm sóc y tế. Mặc dù ban đầu khi mới khởi xướng đạo luật, mọi người còn hơi mơ hồ về lượng thông tin liên quan đến bệnh trạng của bệnh nhân mà các gia đình và người chăm sóc có thể tiếp nhận, giờ đây điều này đã được làm rõ là cần phải chia sẻ thông tin.

  • Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ cho biết: Nếu bệnh nhân có mặt và có khả năng đưa ra các quyết định về việc chăm sóc sức khỏe, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể trao đổi thông tin về sức khỏe của bệnh nhân với thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc một cá nhân khác nếu bệnh nhân đó đồng ý hoặc không phản đối khi được trao cơ hội.
  • Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng có thể chia sẻ thông tin với những người này nếu thông qua xét đoán chuyên môn, họ quyết định rằng bệnh nhân không hề phản đối.
  • Trong cả hai trường hợp, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể chia sẻ hoặc trao đổi với người có liên quan chỉ những thông tin mà người đó cần được biết về dịch vụ chăm sóc hoặc khoản thanh toán dịch vụ chăm sóc của bệnh nhân. Đặc biệt, khi quý vị có tên trong Chỉ Thị Trước, quý vị sẽ không gặp vấn đề nào về việc tiếp nhận thông tin và phát ngôn đại diện cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị. Kiểm tra để đảm bảo rằng bản sao hiện tại của Chỉ Thị Trước nằm trong hồ sơ bệnh lý.

Chỉ Thị Trước về Chăm Sóc Sức Khỏe

  • Chỉ Thị Trước về Chăm Sóc Sức Khỏe (Advance Health Care Directives, ADHC) nêu rõ ai sẽ phát ngôn đại diện cho bệnh nhân nếu bản thân họ không thể tự làm điều đó.
  • Những chỉ thị này còn được gọi là di chúc khi còn sống, ủy nhiệm chăm sóc sức khỏe hoặc Giấy Ủy Quyền Dài Hạn về Chăm Sóc Sức Khỏe.
  • Chỉ khi những cá nhân có đủ khả năng (tức là không mắc chứng sa sút trí tuệ) mới có thể hoàn thành những giấy tờ này.
  • Giấy tờ bao gồm các chỉ dẫn về thể loại chăm sóc mà các cá nhân mong muốn nếu họ bị bệnh rất nặng hoặc đang hấp hối.
  • Nhiều văn phòng của bác sĩ và bệnh viện có sẵn các văn kiện đó.
  • Để biết thêm thông tin chuyên sâu, hãy xem qua tài nguyên về Chỉ Thị Trước về Chăm Sóc Sức Khỏe Trước và POLST có sẵn trên trang mạng của Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình- Family Caregiver Alliance (FCA). ( https://www.caregiver.org/vi/resource/chi-thi-truoc-ve-cham-soc-suc-khoe-va-polst/ )

Quyền có thông dịch viên hiện diện

  • Ở Hoa Kỳ có hơn 200 ngôn ngữ khác nhau, với khoảng 25 triệu người nói tiếng Anh ở trình độ dưới mức “rất thành thạo”. Các thông tin y tế phức tạp vẫn khó hiểu ngay cả khi tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của quý vị.
  • Đối với những người chủ yếu nói một ngôn ngữ khác, và khi bác sĩ không nói ngôn ngữ của quý vị, việc lĩnh hội thông tin là rất khó nếu không muốn nói là không thể được – và hậu quả là thông tin sai lệch có thể gây đe dọa tính mạng.
  • May mắn thay, dựa trên Đạo Luật Dân Quyền 1964, các bệnh nhân có quyền được hưởng các dịch vụ thông dịch viên – bao gồm cả thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu – ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
  • Mặc dù hiện nay đã có các chương trình chứng nhận quốc gia để đảm bảo rằng các thông dịch viên có đủ năng lực dịch ngôn ngữ y tế/chăm sóc sức khỏe, giữa các tiểu bang vẫn có sự cách biệt lớn về khả năng huy động các thông dịch viên như vậy.
  • Một số gia đình chỉ nhờ người thân dịch hộ, nhưng trừ phi họ quen thuộc với từ ngữ y tế, thì đó có thể không phải là sự lựa chọn tốt nhất khi cần truyền tải thông tin phức tạp hoặc phải đưa ra quyết định điều trị.
  • Hãy đảm bảo yêu cầu một thông dịch viên chuyên nghiệp nếu quý vị cần thông dịch. Về phương diện pháp lý, các bệnh viện và bác sĩ lâm sàng bắt buộc phải cung cấp dịch vụ đó cho quý vị, vì vậy, nếu không có sẵn thông dịch viên chuyên nghiệp, tổ chức chăm sóc sức khỏe cần sắp xếp dịch vụ dịch qua màng hình hoặc điện thoại.

Đạo Luật về Thông Báo, Ghi Chép, Hỗ Trợ Người Chăm Sóc (CARE)

Đạo Luật về Thông Báo, Ghi Chép, Hỗ Trợ Người Chăm Sóc (Caregiver Advise, Record, Enable; CARE) được áp dụng để đảm bảo rằng các bệnh viện sẽ không để bệnh nhân xuất viện mà không chuẩn bị sẵn người chăm sóc gia đình. Thông qua Đạo Luật CARE, các bệnh viện phải thực hiện ba điều:

  1. Ghi tên của người chăm sóc gia đình vào hồ sơ bệnh lý của người mà quý vị chăm sóc.
  2. Thông báo cho người chăm sóc thời điểm bạn bè hoặc thành viên trong gia đình sắp xuất viện.
  3. Trau dồi và chỉ dẫn cho người chăm sóc gia đình về các nhiệm vụ y tế mà họ sẽ cần thực hiện cho bệnh nhân tại nhà.

Đạo Luật CARE đã được ký thành luật ở hầu hết các Tiểu Bang của Hoa Kỳ cũng như Đặc Khu Columbia, Puerto Rico và Quần Đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ. AARP (Hiệp Hội Người Về Hưu Hoa Kỳ) đã đấu tranh bảo vệ đạo luật này và không ngừng xúc tiến để đưa đạo luật này trở thành luật ở mọi tiểu bang. Đoạn phim ngắn do AARP sản xuất sau đây cung cấp góc nhìn hết sức tổng quan. (https://videos.aarp.org/detail/video/5793819744001/how-the-care-act-works-%E2%80%94-aarp?autoStart=true&q=How%20the%20CARE%20Act%20Works)

Để biết thêm thông tin về Đạo Luật CARE, bảo vệ quyền lợi cho việc chăm sóc của AARP cũng như các công cụ và tài nguyên của tổ chức dành cho người chăm sóc, hãy truy cập trang web của AARP. ( https://www.aarp.org/caregiving/local/info-2017/care-act-aarp-wallet-card.html)

Các đề nghị khác để tối ưu hóa khả năng trao đổi thông tin với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe

  • Nhiều người chăm sóc nhận thấy việc lưu giữ một cuốn sổ tay y tế là rất hữu ích (dạng điện tử hoặc bằng giấy) cho người mà họ chăm sóc. Trong những cuốn sổ tay này, người chăm sóc sẽ ghi lại ngày, sinh hoạt, triệu chứng, phương pháp điều trị, bác sĩ đã gặp, buổi thăm khám tại phòng cấp cứu, buổi hẹn sau này, thuốc men – bất cứ điều gì có thể giúp theo dõi tình trạng của bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị. Cuốn sổ tay cũng bao gồm cả thông tin tìm thấy trên mạng và các thắc mắc cho buổi hẹn khám y tế tiếp theo hoặc cuộc trò chuyện với một bác sĩ lâm sàng hay đại diện dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
  • Không phải thông tin y tế nào trên mạng cũng như nhau. Một số trang mạng bán sản phẩm; một số tác giả không có bằng cấp chứng nhận hợp pháp; một số trang mạng hoặc nhóm chỉ xoay quanh những kết quả xấu, các biến chứng hoặc dựa trên bằng chứng là lời kể truyền miệng về “phương thuốc chữa bệnh”.
  • Tiếp nhận thông tin từ các trang mạng lớn của chính phủ – các tên của trang mạng (URL) có chữ cuối .gov (ví dụ: National Institutes of Health [Viện Y Tế Quốc Gia], National Institute on Aging [Viện Người Cao Niên Quốc Gia], MedLine); các tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho từng loại bệnh (.org); các trường y có danh tiếng (.edu) và trung tâm chăm sóc sức khỏe (ví dụ: Mayo Clinic, Johns Hopkins, Kaiser Permanente); hoặc những nguồn thông tin đạt chất lượng khác về sức khỏe được công nhận.
  • Về thuốc men, việc quý vị được giải thích đầy đủ lý do, cách thức, liều lượng và thời điểm dùng thuốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng – cũng như báo cáo cho bác sĩ bất kỳ phản ứng phụ hoặc phản ứng nào. Các sai sót khi dùng thuốc là một nguyên nhân phổ biến khiến bệnh nhân phải tái nhập viện, đồng thời, một số sai sót đôi khi bắt nguồn từ việc trao đổi không rõ ràng.
  • Các dược sĩ là nguồn thông tin hữu ích về tương tác thuốc và phản ứng phụ. Hộp chia thuốc viên và thiết bị nhả thuốc theo định lượng hàng ngày có thể là một hỗ trợ rất lớn cho người chăm sóc đã mệt rã rời vì phải bận tâm đến quá nhiều thứ.
  • Nếu người mà quý vị chăm sóc mắc chứng sa sút trí tuệ, hãy cất toàn bộ thuốc ở nơi an toàn và khóa lại.
  • Nếu quý vị không hài lòng với dịch vụ chăm sóc, hãy thẳng thắn nêu rõ nhu cầu của mình – bất kể là việc không ai gọi lại cho quý vị, phụ tá ở bàn tiếp tân thô lỗ, mối lo ngại của quý vị không được giải quyết hoặc các chỉ dẫn điều trị không rõ ràng. Mặc dù các chuyên viên chăm sóc sức khỏe luôn bị áp lực thời gian, nhưng nếu bạn bè hoặc thành viên trong gia đình quý vị không được chăm sóc đúng mức cần thiết, quý vị có quyền lên tiếng.
  • Nếu quý vị lo ngại về dịch vụ chăm sóc ở cơ sở phục hồi chức năng hoặc viện dưỡng lão, hãy liên hệ với thanh tra viên (xem theconsumervoice.org, bấm vào Get Help [Nhận Trợ Giúp]).
  • Quý vị có chung một mục tiêu với đa số các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng như nhân viên của cơ sở, đó là tiếp nhận phương pháp điều trị và dịch vụ chăm sóc tuyệt vời. Trao đổi thông tin càng hiệu quả, cơ hội tiếp nhận dịch vụ chăm sóc đạt chất lượng sẽ càng cao và để có được những lời giải đáp mà quý vị đang tìm kiếm.

Tài Nguyên Bổ Sung

Family Caregiver Alliance (Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình)
National Center on Caregiving (Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia) 
(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang Web: www.caregiver.org
Tài nguyên: https://www.caregiver.org/vietnamese/
Email: info@caregiver.org
FCA CareNav: www.fca.cacrc.org
Caregiver Services by State (Dịch Vụ Người Chăm Sóc theo Tiểu Bang): https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/

Family Caregiver Alliance (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin hiện tại về các vấn đề xã hội, chính sách công và những vấn đề về chăm sóc hiện tại, đồng thời hỗ trợ phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc. Đối với những cư dân ở Khu Vực Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gia đình trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, đột quỵ, Hội Chứng Xơ Cứng Teo Cơ Một Bên (Amyotrophic Lateral Sclerosis, ASL), chấn thương đầu, Parkinson và mắc các chứng rối loạn não suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.

Các Tổ Chức và Liên Kết Khác

Eldercare Locator Quốc Gia (Bộ Định Vị Chăm Sóc Người Cao Niên)
https://www.eldercare.acl.gov

Caregiver Action Network (Mạng Lưới Hành Động của Người Chăm Sóc)
https://www.caregiveraction.org/

American Association of Retired Person (AARP-Hiệp Hội Người Về Hưu Hoa Kỳ)
https://www.aarp.org


Thông tin này được Trish Doherty cập nhật và biên soạn để đọc dễ hiểu hơn cũng như đã được Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance-FCA) xét duyệt. Các nguồn của thông tin này bao gồm Trang Mạng Medicare Chính Thức tại Hoa Kỳ (https://www.medicare.gov), Trang Mạng về Quyền Riêng Tư Thông Tin Y Tế của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ (https://hhs.gov/hipaa), Hiệp Hội Người Về Hưu Hoa Kỳ (AARP) (https://www.aarp.org), Viện Người Cao Niên (https://www.ioaging.org/services/all-inclusive-health-care/care-management?gclid=EAIaIQobChMIytygppGP8wIVOCCtBh1DyAQpEAMYASAAEgKgR_D_BwE ) và Kaiser Health News (https://www.khn.org), ©2021 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.

*