Bệnh Nặng: Hồi Sức Tim Phổi và Không Hồi Sức (Advanced Illness: CPR and DNR)
Giới Thiệu
Ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề lớn và những quyết định quan trọng—khi nghĩ đến người thân và những ngày cuối đời của người mắc bệnh nan y mà ta đang chăm sóc. Trong số những sự cân nhắc về mặt tình cảm, pháp lý, và tài chính còn có cả những câu hỏi về hỗ trợ y tế mà bạn phải quyết định cho người bệnh mà bạn đang chăm sóc khi bệnh tình của họ mỗi ngày thêm khó khăn. Ví dụ, nếu họ đột nhiên gặp khó khăn trong việc hít thở, bạn có cho phép nhân viên y tế hoặc kỹ thuật viên phòng cấp cứu thực hiện Hồi Sức Tim Phổi (Cardiopulmonary Resuscitation, CPR)? Và nếu CPR giúp người bệnh hồi tỉnh, nhưng họ không thể tự hít thở được nữa, bạn có cho phép sử dụng một thiết bị—máy hô hấp nhân tạo—để hít thở thay họ không?
Hiểu rõ về việc hồi sức tim phổi, hay CPR, có thể giúp ích khi ta phải đưa ra quyết định khó khăn trước khi khủng hoảng xảy đến. Tờ thông tin này đề cập cụ thể về quy trình CPR và mô tả mẫu Không Hồi Sức (Do Not Resuscitate, DNR), tài liệu pháp lý được sử dụng để chỉ dẫn cho các chuyên gia y tế về những nguyện vọng của bạn—hoặc của người mà bạn đang chăm sóc. (Để đọc thảo luận chi tiết hơn về các vấn đề khác liên quan đến việc lên kế hoạch lúc cuối đời, hãy xem tờ thông tin của Family Caregiver Alliance, Bệnh Nặng: Chống Chọi và Buông Xuôi, và Bệnh Nặng: Ống Nuôi Ăn và Máy Thở).
CPR (Hồi Sức Tim Phổi)
Hãy xem xét tình huống sau:
Chồng của Nancy đã mắc bệnh Alzheimer trong tám năm, và đang ở giai đoạn cuối của bệnh. Sau cuộc thảo luận về các vấn đề lúc cuối đời với gia đình mình, Nancy đã quyết định “để cái chết diễn ra tự nhiên” nếu chồng cô ấy gặp bất cứ diễn biến y tế khẩn cấp nào. Nói cách khác, cô ấy không muốn chồng mình dùng biện pháp hỗ trợ duy trì sự sống. Cô ấy đã nói cho bác sĩ biết về quyết định này, và bác sĩ cũng đã đồng ý.
Một đêm nọ, Nancy tỉnh giấc và thấy chồng mình đang bị khó thở. Theo như phản xạ, cô ấy gọi 911 mà không do dự. Khi các nhân viên y tế tới nơi, chồng cô ấy đã hoàn toàn ngừng thở. Các nhân viên y tế nhanh chóng làm công việc của mình: họ tiến hành CPR ngay lập tức và đưa anh ấy đến bệnh viện. Khi Nancy đến bệnh viện, chồng cô ấy đã được kết nối với một máy thở và nhiều ống truyền tĩnh mạch. Không may thay, đây chính là điều mà cô không muốn chồng mình phải trải qua.
Định Nghĩa
Để thấu hiểu tình cảnh của Nancy, ta cần phải hiểu rõ hơn về phương pháp hồi sức tim phổi. Hiểu đơn giản thì CPR là quy trình tái khởi động nhịp tim và hô hấp sau khi một hoặc cả hai chức năng đã ngừng hoạt động. Bước đầu tiên bao gồm việc tạo nhịp tim nhân tạo bằng cách ấn vào ngực, và cố gắng hồi phục hô hấp bằng cách thổi vào miệng của người bệnh. Sau đó, một chuyên gia y tế sẽ đưa một ống dẫn qua miệng và xuống đường thở để việc hô hấp nhân tạo được hiệu quả hơn. Tim có thể được sốc điện, và nhiều loại thuốc sẽ được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Nếu tim bắt đầu đập trở lại nhưng hô hấp vẫn không đủ, một thiết bị gọi là máy thở có thể sẽ được sử dụng để liên tục đưa và đẩy không khí ra vào phổi của người bệnh.
Trên màn hình, CPR thường được mô tả như phương pháp cứu sống tối ưu. Tuy nhiên, trên màn hình không cho ta thấy thực sự chính xác về quy trình này—trên thực tế, quy trình này khó khăn hơn nhiều. Việc ấn vùng giữa ngực xuống khoảng một đến một inch rưỡi, với tần suất 100 lần trên một phút trong nhiều phút, sẽ gây đau đớn, và thậm chí có thể làm gãy xương sườn, gây tổn hại đến gan, hoặc gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác. CPR tạo ra một nhịp tim chỉ vừa đủ, và để có đủ máu lưu thông, việc thực hiện nhẹ nhàng sẽ không mang lại đủ hiệu quả. Sốc điện và gắn ống thông vào cổ họng cũng là những cách điều trị phải làm, nhưng có thể là việc rất cần thiết để hồi sức cho một người.
CPR thường có thể cứu sống mạng người, đặc biệt là trong trường hợp một người khỏe mạnh gặp phải tai nạn hoặc một số loại bệnh đau tim. CPR cũng có tác dụng nhất đối với tình trạng ngưng tim và hô hấp trong bệnh viện, tại Đơn Vị Chăm Sóc Tim Mạch (Cardiac Care Unit, CCU). Các y tá trong đơn vị sẽ ngay lập tức nhận ra vấn đề và bắt đầu việc chăm sóc phức tạp.
Tuy nhiên, khi sức khỏe của một người suy giảm và sức yếu do một căn bệnh nặng và đang tiến triển, tim và hô hấp cuối cùng cũng sẽ ngừng hoạt động do căn bệnh đó. Trong trường hợp như vậy, cơ hội thành công của CPR là rất thấp. Nếu may mắn thì việc thành công cứu sống cũng sẽ chỉ là tạm thời, vì tình trạng suy yếu của người đó sẽ lại sớm dẫn đến trạng thái ngưng tim và hô hấp.
Một khả năng khác là CPR có thể chỉ thành công một phần. Nếu nhịp tim được hồi phục nhưng người bệnh vẫn còn quá yếu để tự hít thở và tình trạng này vẫn kéo dài, người đó có thể phải sử dụng máy thở trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hoặc lâu hơn. Hơn nữa, khi hô hấp hoặc tim ngừng hoạt động, não sẽ nhanh chóng bị thiếu oxy. Kết quả là, trong vài giây, não bắt đầu ngừng hoạt động (người bệnh mất ý thức), và chỉ trong vài phút, não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Nếu việc thực hiện CPR hiệu quả chỉ được bắt đầu sau thời gian vài phút ít ỏi đó, người bệnh sẽ không thể hồi phục hoàn toàn. Tổn thương não bộ có thể bao gồm tất cả, từ tình trạng trí óc chậm chạp và mất trí nhớ cho đến bất tỉnh hoàn toàn và vĩnh viễn cũng như sự phụ thuộc vào máy thở và biện pháp y tế hỗ trợ sự sống phức tạp. (Xem tờ thông tin FCA: Bệnh Nặng: Ống Nuôi Ăn và Máy Thở.)
Vai Trò của Trợ Giúp Khẩn Cấp (Gọi 911)
Cuộc gọi đến 911 là yêu cầu trợ giúp khẩn cấp; mục tiêu của những người trả lời cuộc gọi 911 là để bảo vệ sự sống cũng như tài sản, và để hoàn thành mục tiêu đó, những nhân viên sẽ làm đúng như cách họ đã được huấn luyện. Nếu nhà của bạn đang cháy, nhân viên cứu hỏa sẽ không xin phép để được khoét một lỗ trên mái nhà và phun nước vào khắp phòng khách nhà bạn—họ sẽ chỉ làm việc cần thiết để ngăn ngọn lửa phá hủy ngôi nhà của bạn.
Tương tự như vậy, khi một người bị ngưng tim và hô hấp, các nhân viên phản ứng 911 sẽ không chuẩn bị để trò chuyện thật lâu với bạn về tình trạng của người bệnh và những việc tốt nhất nên làm theo suy nghĩ của bạn. Họ biết rằng bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến tổn thương não bộ, nên họ sẽ ngay lập tức tiến hành CPR rồi đưa người đó đến bệnh viện. Trừ một trường hợp ngoại lệ mà ta sẽ thảo luận trong phần tiếp theo, các nguyên tắc của họ yêu cầu thực hiện việc này, và nếu bạn nghĩ đến mục đích của hệ thống 911 thì điều đó sẽ rất hợp lí.
Khi Nancy gọi 911 trong tình huống mà chúng ta đã nói tới, các nhân viên y tế chỉ làm những việc mà họ đã được huấn luyện—họ hồi sức cho chồng của cô ấy. Tuy nhiên, nếu Nancy và bác sĩ của cô ấy hoàn thành và để mẫu DNR tại nhà, chồng cô ấy sẽ không được hồi sức và/hoặc kết nối với các loại máy móc khi đến bệnh viện.
Mẫu Đơn Không Hồi Sức (DNR)
“Mẫu Đơn Không Hồi Sức (DNR) Trước Khi Nhập Viện Cho Hệ Thống Y Tế Khẩn Cấp” là một tài liệu pháp lý cho phép nhân viên làm việc 911 không tiến hành CPR. Mẫu DNR được chuẩn bị trước cho mọi tình huống và được cất tại nhà. Mẫu DNR trước khi nhập viện này ghi tên của người áp dụng lệnh này, và được ký bởi chính người đó (hoặc bất kỳ ai đại diện cho người đó nếu người đó quá ốm yếu và không thể tự đưa ra các quyết định y tế cho mình). Bác sĩ của người đó cũng sẽ ký vào mẫu này. Hãy lưu ý một vấn đề rất quan trọng: mẫu đơn sẽ chỉ có giá trị khi bác sĩ ký tên vào đó, vì đây là một y lệnh. Có một mẫu đơn mới được gọi là Y Lệnh của Bác Sĩ về Điều Trị Duy Trì Sự Sống (Physician Orders for Life Sustaining Treatment, POLST) có thể thay thế hoặc bổ sung cho lệnh DNR truyền thống. Xem tờ thông tin Chỉ Thị Chăm Sóc Sức Khỏe Trước và POLST.
DNR hay POLST là mẫu đơn duy nhất có hiệu lực với nhân viên phản ứng 911; các tài liệu khác, ví dụ như Giấy Ủy Quyền Dài Hạn về Chăm Sóc Sức Khỏe hoặc một số Chỉ Thị Trước khác sẽ không có hiệu lực. Nếu nhân viên cấp cứu đến nơi và phát hiện nhịp tim và hô hấp của một người đã hoặc đang dần ngừng lại, họ sẽ tiến hành CPR trừ trường hợp thấy một mẫu DNR/POLST đã được hoàn thành đúng cách.
Vì vậy, mẫu DNR/POLST nên được để gần giường của người bệnh, có thể treo trên tường, sao cho dễ dàng tìm thấy trong trường hợp khẩn cấp. Khi các nhân viên phản ứng 911 thấy mẫu này, họ vẫn sẽ cố hết sức để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, nhưng sẽ không thực hiện CPR. Trong trường hợp không có mẫu DNR/POLST, họ buộc phải thực hiện CPR. DNR/POLST là mẫu đơn duy nhất cho phép bạn kiểm soát những gì họ làm. (Lưu ý: Có thể hủy bỏ DNR theo mong muốn của bạn.)
Các Lựa Chọn
Tại sao một người lại lựa chọn chuẩn bị DNR? Bởi vì, như ta đã thảo luận ở trên, có những thời điểm việc thực hiện CPR có thể không thực sự hợp lí. Khi bệnh tiến triển, thường sẽ đến một thời điểm mà việc tiếp tục điều trị sẽ không còn giúp làm giảm các triệu chứng cũng như không thể chữa lành bệnh và người bệnh đang ở vào giai đoạn cuối của bệnh. (Khi người bệnh dần trở nên ốm yếu hơn, các bác sĩ có thể sẽ thử nhiều cách điều trị để ngăn chặn bệnh, nhưng cuối cùng ta có thể dần thấy rõ rằng các cách điều trị này không đem lại hiệu quả như mong muốn. Các cách điều trị khác có thể giúp xoa dịu, và thậm chí kiểm soát căn bệnh được phần nào, nhưng có thể sẽ đến một thời điểm mà không cách nào có thể ngăn chặn sự suy yếu của người bệnh.) Trong những trường hợp này, bạn có thể cảm thấy rằng nỗ lực thực hiện CPR không còn có ý nghĩa, vì việc đó (tại thời điểm này là CPR) chỉ có thể kéo dài thời gian chết. Như vậy cái chết sẽ được diễn ra một cách tự nhiên. Trên thực tế, tên gọi ban đầu của mẫu DNR là “DNAR”, viết tắt của “Do Not Attempt Resuscitation (Không Nỗ Lực Hồi Sức)”. Cái tên này thừa nhận một điều rằng mẫu này chỉ định các nhân viên phản ứng 911 không thực hiện một việc không có hiệu quả lâu dài dù có nỗ lực hết sức đi chăng nữa. Có chăng, nỗ lực này sẽ khiến người bệnh phải nhập viện, cảm thấy đau đớn và khó chịu, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Việc chuẩn bị mẫu DNR có thể còn giúp người chăm sóc không phải lựa chọn việc tắt máy, bởi đây là một quyết định khó khăn hơn về mặt tâm lý.
(Xem tờ thông tin FCA, Những Lựa Chọn Cuối Đời: Chống Chọi và Buông Xuôi và Đưa Ra Quyết Định để đọc thêm những thảo luận về vấn đề này).
Kết Luận
Khi một người đang mắc bệnh mãn tính, trái ngược với bệnh cấp tính (loại bệnh thường cần phải đi khám hoặc nhập viện), sự suy yếu thường diễn ra từ từ. Do đó, cả người chăm sóc và người đang được chăm sóc thường quên bàn về những lựa chọn mà người mắc bệnh mãn tính muốn thực hiện liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe của họ. Nếu bạn quyết định rằng bạn không muốn thực hiện CPR và cảm thấy băn khoăn về quyết định này, việc trò chuyện với bác sĩ và giáo sĩ của bạn có thể sẽ giúp ích. Việc bất chấp cố gắng cứu lấy mạng sống là điều bình thường, thuận theo bản năng, và một số người lo ngại rằng nếu không làm hết sức để bảo toàn mạng sống thì cũng đồng nghĩa với việc “giết chết” một người. Nhưng việc này cũng có thể có ý nghĩa đơn giản là tôn trọng giai đoạn cuối của bệnh khi cơ thể ngừng hoạt động và cái chết xảy đến một cách tự nhiên.
Không có câu trả lời đúng và sai cho những câu hỏi này, và cho đến khi ta phải đối mặt với tình huống như thế này, rất khó để đoán trước ta sẽ đưa ra những lựa chọn như thế nào. Khi chúng ta thay đổi trong suốt quá trình diễn tiến của bệnh, các lựa chọn của ta cũng có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình càng thảo luận kỹ lưỡng về những vấn đề này trước khi phải đưa ra quyết định quan trọng, thì việc này sẽ càng trở nên dễ dàng hơn đối với cả người bệnh và những người có trách nhiệm chăm sóc người đó. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu cuộc trò chuyện đó. Việc chăm sóc cuối đời có thể làm giảm sự đau đớn cũng như giúp bệnh nhân và gia đình họ cảm thấy đôi chút dễ dàng hơn khi phải đối mặt với những khủng hoảng này.
Nguồn Trích Dẫn
Jennings, Bruce và cộng sự, “Ethical Challenges of Chronic Illness (Những Thách Thức về Đạo Đức đối với Bệnh Mãn Tính)”, Hastings Center Report, Special Supplement, Tháng 2/Tháng 3 năm 1988, trang 1-16.
McLean, Margaret, “Confronting the Ultimate Questions (Đối Mặt với Những Câu Hỏi Cuối Cùng)”, Issues in Ethics, Mùa Đông năm 1997, Quyển 8, Số 1, trang 8-9.
Moss, Alvin, “Discussing Resuscitation Status with Patients and Families (Thảo Luận về Tình Trạng Hồi Sức với Bệnh Nhân và Gia Đình)”, The Journal of Clinical Ethics, Mùa Hè năm 1993, Quyển 4, Số 2, trang 180-182.
Murphy, Donald và cộng sự, “Outcomes of Cardiopulmonary Resuscitation in the Elderly (Kết Quả của Hồi Sức Tim Phổi với Người Già)”, Annals of Internal Medicine, tháng 8 năm 1989, Quyển III, Số 3, trang 199-205.
Nulland, Sherwin, How We Die (Cách Chúng Ta Ra Đi), Nhà Xuất Bản Alfred A. Knopf, 1994.
Shannon Thomas và Charles Faso, Let Them Go Free (Hãy Để Họ Ra Đi), Nhà Xuất Bản Sheed and Ward, 1985.
Reed, Jennifer Booth, “‘Do not resuscitate’ vs. ‘allow natural death’ (‘Không hồi sức’ và ‘cho phép cái chết tự nhiên’)”, USA Today, ngày 2 tháng 3 năm 2009, https://hospicevolunteerassociation.org/HVANewsletter/0090_Vol5No2_2009Mar02_DoNotResuscitateVsAllowNaturalDeath.pdf
Braddock, Clarence, H, MD, MPH, “Do Not Resuscitate Orders (Lệnh Không Hồi Sức)”, Đại học Washington, ngày 11 tháng 6 năm 2008, http://depts.washington.edu/bioethx/topics/dnr.html
Dementia Care Practice Recommendations, Phase 3: End of Life Care (Những Khuyến Nghị về Thực Hành Chăm Sóc Bệnh Sa Sút Trí Tuệ, Giai Đoạn 3: Chăm Sóc Lúc Cuối Đời), Hiệp Hội Alzheimer, http://www.alz.org/national/documents/brochure_dcprphase3.pdf
Nguồn Lực
Family Caregiver Alliance
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia
(415) 434-3388 (800) | 445-8106
Trang Web: www.caregiver.org/vietnamese
Email: info@caregiver.org
Dịch Vụ Hỗ Trợ Chăm Sóc Cá Nhân FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/login
Dịch Vụ Theo Tiểu Bang: www.caregiver.org/family-care-navigator
Family Caregiver Alliance (FCA) mong muốn nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công và những vấn đề về chăm sóc hiện tại, đồng thời hỗ trợ phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc. Đối với những cư dân ở Khu Vực Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não, Parkinson và mắc các chứng rối loạn suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.
Các Tổ Chức và Đường Dẫn Khác
Alzheimer’s Association (Hiệp Hội Alzheimer)
www.alz.org
(800) 272-3900
Compassion & Choices (Tình Thương & Chọn Lựa)
800-247-7421
https://compassionandchoices.org/
Improving Care for the Dying (Cải Thiện Chăm Sóc cho Người Sắp Ra Đi)
http://www.growthhouse.org/educate/flash/mortals/mor11107.html
Tổ Chức Chăm Sóc Cuối Đời và Chăm Sóc Giảm Nhẹ Quốc Gia (National Hospice and Palliative Care Organization)
(703) 837-1500
www.nhpco.org
Palliative Excellence in Alzheimer’s Care Efforts (PEACE) (Thực Hành Xuất Sắc Chăm Sóc Giảm Nhẹ với Bệnh Alzheimer)
5841 South Maryland Ave. Chicago, IL 60637
(773) 702-0102
Dying Unafraid (Ra Đi Không Sợ Hãi)
Fran Johns
https://books.google.com/books/about/Dying_Unafraid.html?id=jUE4kIw5dmAC&printsec=frontcover&source=kp_read_button#v=onepage&q&f=false
Center for Health Care Decisions (Trung Tâm về Quyết Định Chăm Sóc Sức Khỏe)
3400 Data Drive Rancho Cordova, CA 95670
(916) 851-2828
https://health.ucdavis.edu/chpr/CHCD/index.html
Five Wishes (Năm Điều Ước)
Aging with Dignity
(888) 5-WISHES
https://www.agingwithdignity.org/5wishes.html
Five Wishes là tài liệu giúp bạn bày tỏ mong muốn về cách bản thân được đối xử trong trường hợp bạn bị bệnh nặng và không thể truyền đạt được mong muốn của mình.
Handbood for Mortals (Cẩm Nang cho Mọi Người)
Joanne Lynn, MD và Joan Harrold, MD
Tổ Chức Americans for Better Care of the Dying
(202) 895-2660
http://www.abcd-caring.org
Making Sacred Choices at the End of Life (Đưa Ra Lựa Chọn Đúng Đắn Lúc Cuối Đời)
Rabbi Richard Address
Nhà Xuất Bản Jewish Lights Publishing, 2000.
http://www.jewishlights.com/page/product/JL9
Tờ thông tin này được soạn thảo bởi Family Caregiver Alliance. Duyệt bởi Bác Sĩ Y Khoa John Neville. © 2019 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.