FCA logo

Chứng sa sút trí tuệ, cách chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ và kiểm soát cảm giác thất vọng (Dementia, Caregiving and Controlling Frustration)

Những căng thẳng của việc chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ 

Việc chăm sóc cho người mắc bệnh Alzheimer hoặc người mắc một chứng sa sút trí tuệ khác đôi khi là một thách thức hơi quá sức. Thất vọng là phản ứng cảm xúc bình thường và dễ hiểu khi người chăm sóc phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Một số cảm xúc có thể là một phần cuộc sống hàng ngày của người chăm sóc, tuy nhiên, cảm giác thất vọng cùng cực có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính bạn hoặc người bệnh mà bạn chăm sóc. Cảm giác thất vọng và căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất của bạn hoặc khiến bạn trở nên hung dữ bằng hành động hoặc bằng lời nói với người thân. Nếu quá trình chăm sóc người bệnh khiến bạn thất vọng hoặc tức giận tột độ, bạn có thể áp dụng một số phương pháp mới sau đây để khắc phục. 

Khi cảm thấy thất vọng, bạn vẫn cần phải phân biệt cái gì có và cái gì không nằm trong khả năng bạn có thể thay đổi. Cảm giác thất vọng thường phát sinh từ việc bạn cố gắng thay đổi một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Là người chăm sóc bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ, bạn phải đối mặt với rất nhiều tình huống không thể kiểm soát. Các sinh hoạt bình thường hàng ngày của người bệnh như: mặc quần áo, tắm rửa, ăn uống… cũng có thể trở thành nguồn cơn gây thất vọng sâu sắc cho bạn. Các hành vi thường liên quan đến chứng sa sút trí tuệ như: đi lang thang hoặc hỏi nhiều lần cùng một câu hỏi… có thể gây khó chịu cho người chăm sóc, tuy nhiên, đây lại là những hành vi không thể kiểm soát của người bệnh. Thực tế, bạn không thể thay đổi hành vi của một người mắc chứng sa sút trí tuệ. 

Khi gặp một tình huống không thể kiểm soát, bạn cần phải bình tĩnh nhìn nhận lấy chính mình trước tình huống đó. 

Để phản ứng những tình huống mà bạn cảm thấy nản lòng cực độ, bạn cần: 

  • Học cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về cảm giác thất vọng. 
  • Giữ bình tĩnh. 
  • Thay đổi suy nghĩ của mình theo hướng tốt làm giảm căng thẳng. 
  • Học cách giao tiếp một cách dứt khoát. 
  • Tìm sự giúp đỡ. 

Dấu hiệu cảnh báo cảm giác thất vọng 

Nếu bạn nhận ra các dấu hiệu báo trước về cảm giác thất vọng, bạn có thể đề phòng tâm trạng của mình trước khi mất kiểm soát. Một số dấu hiệu cảnh báo cảm giác thất vọng thường xẩy ra như: 

  • Khó thở 
  • Nghẹn cổ họng 
  • Đau quặn dạ dày 
  • Đau ngực 
  • Nhức đầu 
  • Sợ ăn uống 
  • Uống nhiều rượu 
  • Hút nhiều thuốc lá 
  • Thiếu kiên nhẫn 
  • Có xu hướng bạo lực 

Giữ bình tĩnh 

Khi bạn nhận ra các dấu hiệu về cảm giác thất vọng, bạn nên có hành động phản ứng ngay để lấy lại bình tĩnh. Việc làm này giúp bạn có thời gian để xem xét tình huống một cách khách quan hơn và lựa chọn cách phản ứng một cách có kiểm soát hơn. 

Khi bạn cảm thấy mình đang dần cảm thấy thất vọng, hãy đếm chậm từ một đến mười và hít thở sâu. Nếu có thể, hãy đi bộ một đoạn ngắn hoặc đi sang một phòng khác và tập trung suy nghĩ. Tốt hơn hết là tìm cách thoát khỏi tình huống đó dù là chỉ khoảnh khắc thay vì hành động mất kiểm soát hoặc phản ứng theo cách mà bạn có thể sẽ hối hận. Nếu bạn cho rằng mình sẽ làm mất lòng một ai đó nếu rời khỏi phòng, bạn có thể nói với người đó rằng bạn cần vào nhà vệ sinh. Bạn cũng có thể gọi điện cho một người bạn, cầu nguyện, ngồi thiền, hát, nghe nhạc hoặc đi tắm. Hãy thử các cách phản ứng khác nhau để tìm ra cách phù hợp nhất với bạn và người mà bạn chăm sóc. 

Việc thường xuyên thực hiện các phương pháp nghỉ ngơi cũng có thể giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống gây bực bội. Nếu có thể, hãy tập bài tập thư giãn sau đây ít nhất mười phút mỗi ngày: 

Ngồi ở tư thế thoải mái ở nơi yên tĩnh. Hít thở chậm, sâu và thả lỏng cơ thể. Trong khi hít thở chậm, sâu, bạn có thể tưởng tượng mình đang ở một nơi an toàn, yên tĩnh và lặp lại một từ hoặc cụm từ dễ chịu. 

Thay đổi suy nghĩ của chính bạn 

Khi bạn dành thời gian để tập trung suy nghĩ, hãy suy nghĩ về tình huống mình gặp phải theo chiều hướng làm giảm cảm giác thất vọng. Cách bạn suy nghĩ có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của bạn. Tất nhiên, cảm giác thất vọng nảy sinh từ những tình huống gây khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn phân tích phản ứng của mình trước tình huống gây bực bội, bạn sẽ nhận ra: suy nghĩ không linh hoạt hoặc suy nghĩ tiêu cực chỉ làm tăng cảm giác thất vọng, ngăn không cho bạn nhìn vào tình huống mà mình gặp phải một cách khách quan hoặc ngăn không cho bạn tìm ra cách thức xử lý hiệu quả hơn. 

Dưới đây là sáu kiểu suy nghĩ không giúp ích được điều gì nhưng lại khá phổ biến ở những người chăm sóc. Đi kèm mỗi kiểu suy nghĩ không hữu ích này là một ví dụ về cách suy nghĩ thích nghi – hữu ích hơn có thể sử dụng để ngăn ngừa cảm giác thất vọng. Việc làm quen với các kiểu suy nghĩ không có ích và các phản ứng thích nghi linh hoạt có thể giúp bạn kiểm soát cảm giác thất vọng của mình. 

Phản ứng thái quá 

Bạn gặp phải một tình huống tiêu cực và làm tình huống thêm phức tạp hơn. Ví dụ, bạn đã chuẩn bị sẵn sàng đưa người thân đến khám bác sĩ thì phát hiện bình ác-quy xe hết điện. Sau đó, bạn kết luận: “Chuyện này luôn luôn xảy ra, luôn nảy sinh một rắc rối nào đó”. 

Phản ứng thích ứng linh hoạt: “Vấn đề này không phải lúc nào cũng xảy ra. Xe của tôi vẫn đang chạy tốt. Đôi khi mọi việc không diễn ra theo mong muốn, thi thoảng vẫn có những sự cố phát sinh”. 

Bỏ qua những điều tích cực 

Bạn bỏ qua những điều tốt đẹp trong chính tình huống mình gặp phải và trong chính bạn. Ví dụ, bạn cho phép bản thân cảm thấy mình chăm sóc người thân chưa tốt với suy nghĩ “Tôi có thể làm tốt hơn nữa” hoặc “Ai cũng có thể làm những việc tôi đang làm”. 

Phản ứng thích ứng linh hoạt: “Việc chăm sóc người bệnh không hề dễ dàng. Cần phải có lòng can đảm, sự bền bỉ và tình yêu thương mới có thể làm được những việc mà tôi đang làm. Không phải lúc nào tôi cũng hoàn hảo, nhưng tôi làm rất nhiều việc và tôi đang cố gắng giúp đỡ người thân của tôi”. 

Kết luận vội vàng 

Bạn đi đến một kết luận mà không cần đầy đủ thông tin. Có hai kiểu kết luận: 1.Đọc vị: Chúng ta luôn cho rằng những người khác luôn có những suy nghĩ tiêu cực về mình. Ví dụ: một người bạn không trả lời điện thoại, chúng ta liền cho rằng người đó đang phớt lờ chúng ta hoặc không muốn nói chuyện với chúng ta.

Phản ứng thích ứng linh hoạt: “Tôi không biết bạn mình đang nghĩ gì. Tôi chỉ biết là cô ấy không nhận được tin nhắn. Có lẽ cô ấy đang bận hoặc cô ấy quên mất. Nếu tôi muốn biết cô ấy đang nghĩ gì, tôi sẽ hỏi cô ấy”.

2.Phỏng đoán: Bạn dự đoán một kết quả tiêu cực sẽ xảy ra. Ví dụ: bạn không thử chăm sóc vào ban ngày cho người lớn vì bạn cho rằng người mình chăm sóc sẽ không thích điều này. Bạn nghĩ rằng, “Người thân của mình sẽ không cần sự giúp đỡ này. Không đời nào!”. 

Phản ứng thích ứng linh hoạt: “Tôi không thể dự đoán được tương lai. Tôi không nghĩ là người thân của mình sẽ thích việc này, nhưng tôi sẽ không thể biết chắc chắn nếu như tôi không thử làm”. 

Sử dụng từ “Nên” 

Bạn cố động viên bản thân bằng cách sử dụng những câu như “Tôi nên gọi cho mẹ thường xuyên hơn”, hay “Tôi không nên đi xem phim vì có thể mẹ cần tôi giúp mẹ”. Những việc bạn nghĩ rằng bạn “nên” làm thường mâu thuẫn với những việc bạn muốn làm. Sau cùng, bạn lại cảm thấy tội lỗi, chán nản, hoặc thất vọng. 

Phản ứng thích ứng linh hoạt: “Tôi muốn đi xem phim. Tôi cũng cần nghỉ ngơi sau khi chăm sóc người thân và tận hưởng cho chính mình. Tôi sẽ nhờ một người bạn hoặc người hàng xóm trông mẹ giúp”. 

Quy chụp 

Bạn nhận định chính mình hoặc người khác chỉ qua một đặc điểm hoặc hành động. Ví dụ, bạn không giặt đồ và nghĩ rằng “Mình thật lười biếng”. 

Phản ứng thích ứng linh hoạt: “Tôi không lười biếng. Đôi khi tôi không làm hết sức có thể, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi lười biếng. Tôi luôn chăm chỉ và làm tốt nhất có thể. Nhưng đôi khi tôi cũng cần nghỉ ngơi”. 

Đổ lỗi cho chính mình 

Bạn nhận trách nhiệm về mình về một sự việc tiêu cực xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bạn. Ví dụ, bạn tự trách mình khi người mà bạn chăm sóc yêu cầu nhập viện hoặc xin vào cơ sở y tế. 

Phản ứng thích ứng linh hoạt: “Tình trạng của mẹ đã tới mức tôi không thể tự chăm sóc mẹ nữa. Đó là tình trạng bệnh của mẹ, việc đưa bà vào viện an dưỡng không phải là lỗi của tôi”.

Sử dụng “kỹ thuật ba cột” 
Những kiểu suy nghĩ không hữu ích thường là những phản ứng hoặc thói quen đã có từ lâu. Để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của mình, bạn cần học cách nhận diện chúng, biết tại sao những suy nghĩ đó là không đúng và phản bác lại. 

Cách hữu ích để thực hành sử dụng các quá trình tư duy linh hoạt là sử dụng “kỹ thuật ba cột”. Kẻ hai dòng xuống một tờ giấy để chia tờ giấy thành ba phần. Khi bạn cảm thấy bực bội, hãy dành thời gian ra ngoài và viết những suy nghĩ tiêu cực của bạn vào cột đầu tiên. 

Ở cột thứ hai, hãy cố gắng xác định kiểu suy nghĩ không có ích từ sáu ví dụ trên. Ở cột thứ ba, hãy ghi lại những suy nghĩ tiêu cực của bạn bằng quan điểm tích cực hơn. Vui lòng xem ví dụ dưới đây.

Những suy nghĩ tiêu cực
Các kiểu suy nghĩ
Những suy nghĩ thích nghi linh hoạt
(Người chăm sóc làm cháy thức ăn.) “Tôi không thể làm gì được!” Phản ứng thái quá Tôi không hoàn hảo, không ai hoàn hảo cả. Đôi khi tôi mắc lỗi, đôi khi tôi làm tốt mọi việc.
(Người chăm sóc đi uống cà phê với một người bạn và vợ/chồng bị ngã ở nhà.) “Tôi thật ích kỷ, xấu xa! Nếu tôi ở nhà, anh ấy đã không bị ngã”. Quy chụp; Đổ lỗi cho chính mình Tôi không ích kỷ, xấu xa. Tôi làm rất nhiều việc để chăm sóc chồng, nhưng tôi cũng cần chăm sóc bản thân mình. Anh ấy có thể vẫn bị ngã kể cả khi tôi ở nhà.
(Anh trai không đến đưa bố của bạn đến bác sĩ.) “Tôi biết là tôi không thể tin anh ta. Lần sau tôi nên tự lo liệu thì tốt hơn”. Kết luận vội vàng; Sử dụng từ “Nên” Tôi không biết tại sao anh ấy không đến, nhưng tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy, chúng tôi sẽ phải tìm cách để anh ấy cùng chia sẻ gánh nặng chăm sóc bố.

Giao tiếp dứt khoát 

Giao tiếp tốt có thể làm giảm cảm giác thất vọng, giúp bạn có cơ hội thể hiện bản thân, giúp người khác hiểu được những giới hạn và nhu cầu của bạn. Giao tiếp dứt khoát khác với giao tiếp thụ động hoặc giao tiếp kiểu gây hấn. Khi bạn giao tiếp thụ động, những nhu cầu và mong muốn cá nhân của bạn bị dồn nén bên trong để tránh xung đột với người khác. Mặc dù bề ngoài trông có vẻ dễ dàng, nhưng về lâu dài, điều này sẽ khiến người khác cảm thấy họ có thể phớt lờ bạn để đạt được mục đích của họ. 

Khi bạn giao tiếp kiểu gây hấn, có thể bạn sẽ áp đặt những nhu cầu và mong muốn của mình lên người khác. Kiểu giao tiếp này giúp bạn bày tỏ cảm xúc của mình, tuy nhiên, giao tiếp kiểu gây hấn thường khiến người khác đề phòng bạn hơn và có thái độ ít hợp tác hơn. 

Khi bạn giao tiếp dứt khoát, bạn thể hiện nhu cầu và mong muốn riêng của mình đồng thời tôn trọng nhu cầu và mong muốn của người khác. Giao tiếp dứt khoát giúp cả hai bên thảo luận nghiêm túc về vấn đề đang hiện hữu. 

Chìa khóa để giao tiếp dứt khoát là: 

  • Tôn trọng cảm xúc, nhu cầu và mong muốn riêng của bạn. 
  • Nói lên cảm xúc của bạn mà không làm bẽ mặt, làm mất danh dự hoặc làm buồn người khác. 
  • Sử dụng các câu có từ “tôi” thay vì các câu có từ “bạn”. Ví dụ, nói “Tôi cần được nghỉ ngơi” hoặc “Tôi muốn nói chuyện với bạn và giải quyết chuyện này” thay vì nói “Bạn là người vô trách nhiệm” hay “Bạn không bao giờ giúp đỡ tôi”! 
  • Không sử dụng các câu có từ “nên”. Ví dụ: “Tôi nghĩ là chúng ta nên giữ đúng những lời hứa của mình” thay vì “Bạn nên giữ lời hứa“. 

Bước quan trọng: Yêu cầu được giúp đỡ 

Bạn không thể tự mình gánh vác mọi trách nhiệm chăm sóc. Bạn nên yêu cầu được giúp đỡ và chấp nhận sự giúp đỡ. Hãy thảo luận về những nhu cầu của bạn với các thành viên trong gia đình và bạn bè, những người sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc người bệnh với bạn. Mọi người sẽ không biết bạn cần sự giúp đỡ nếu bạn không giải thích hoàn cảnh của mình và yêu cầu được hỗ trợ. Hãy nhớ rằng, bạn có quyền yêu cầu được giúp đỡ và bày tỏ nhu cầu của mình. 

Khi nào nói “Được” 

Đừng ngại nói “Được” nếu ai đó đề nghị giúp đỡ bạn. Nói “Được” ngay lúc có người đề nghị giúp đỡ bạn thay vì nói “Chắc là được” và đợi cho đến khi gặp phải tình thế khó khăn. Có rất nhiều việc mà bạn cần sự giúp đỡ. Hãy nhớ rằng mọi người đều cảm thấy bản thân họ có ích và hài lòng khi giúp đỡ người khác. 

Khi nào nói “Không” 

Thông thường, người chăm sóc bị giằng xé về nhiều hướng. Ngoài việc chăm sóc người bệnh, có thể bạn còn cảm thấy bản thân phải đáp ứng các yêu cầu của cả đại gia đình, của bạn bè và cả sếp của mình. Hãy học cách nói “Không” trước những yêu cầu của người khác khi bạn bị quá tải hoặc cần nghỉ ngơi. Bạn có quyền nói “Không” trước những nhu cầu đòi hỏi thái quá mà không cảm thấy tội lỗi. 

Học các phương cách giao tiếp hiệu quả để chăm sóc người mắc chứng sa sút trí tuệ 

Nhiều gia đình cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với người thân mắc chứng sa sút trí tuệ. Người mắc chứng sa sút trí tuệ thường hỏi đi hỏi lại các câu hỏi hoặc nhầm bạn với người khác. Điều quan trọng bạn cần nhớ là người mắc chứng sa sút trí tuệ không thể kiểm soát hành vi của họ. Bạn không thể thay đổi được điều này vì đây là “thực tế”. Bạn có thể đánh lạc hướng người bệnh hoặc đồng ý với người bệnh để giảm bớt cảm giác thất vọng của bản thân. 

Tuy nhiên, bạn có thể tìm hiểu thêm về chứng sa sút trí tuệ và các phương pháp giao tiếp hiệu quả, giúp bạn bớt cảm giác bực bội. Ví dụ, sử dụng các câu nói đơn giản, trực tiếp và đến thật gần khi nói chuyện với người mắc chứng rối loạn nhận thức. Cố gắng đừng tranh luận về những điều không quan trọng như hôm nay là ngày bao nhiêu… Cho người bệnh thêm thời gian để hoàn thành các công việc như mặc quần áo. Hãy nhớ rằng, người mắc chứng sa sút trí tuệ thường phản ứng với cảm xúc nhiều hơn là lời nói của chúng ta. Tìm cách giữ bình tĩnh có thể giúp bạn có được thái độ hợp tác của người bệnh. Xem tờ thông tin của FCA  Hướng dẫn dành cho Người chăm sóc để hiểu hành vi của người mắc chứng sa sút trí tuệ  để biết thêm các phương pháp hữu ích. 

Tự chăm sóc bản thân để ngăn ngừa cảm giác thất vọng 

Việc chăm sóc người bệnh thường gây mệt mỏi và căng thẳng. Khi bạn phải chăm sóc người khác, bạn dễ quên chăm sóc chính bản thân mình. Mặc dù khó sắp xếp được thời gian cho bản thân và nhu cầu của bản thân, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải quan tâm đến chính mình để ngăn cảm giác thất vọng và kiệt sức. Tờ thông tin của FCA: Chăm sóc BẢN THÂN: Tự chăm sóc dành cho Người chăm sóc để biết thêm thông tin. 

Dưới đây là ba bước để chăm sóc cho bản thân BẠN tốt hơn: 

1. Dành thời gian cho bản thân 

Bạn có thể cảm thấy có lỗi về việc bản thân cần có hoặc muốn có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giao tiếp xã hội và giải khuây. Tuy nhiên, mọi người đều xứng đáng được nghỉ ngơi định kỳ, kể cả những người chăm sóc người bệnh. Các “nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế” có thể cho bạn cơ hội nghỉ ngơi khi bạn cần. Bạn có thể nghỉ ngơi nhờ có sự giúp đỡ tại nhà, chăm sóc cho người lớn vào ban ngày, các chương trình “vị khách thân thiện”, bạn bè, hàng xóm… Điều quan trọng là cho phép bản thân nghỉ ngơi sau khi chăm sóc người bệnh. Xem phần Tài nguyên ở cuối tờ thông tin này để biết các tổ chức có thể giúp bạn dành thời gian chăm sóc bản thân. 

2. Chăm sóc bản thân 

Mặc dù việc chăm sóc người bệnh có thể khiến bạn khó có thời gian cho bản thân, nhưng điều quan trọng là bạn phải ăn uống tốt, tập thể dục, ngủ ngon và đi khám sức khỏe khi cần. 

Khi bạn không tự chăm sóc bản thân, bạn dễ cảm thấy lo lắng, chán nản, thất vọng và đau đớn về thể chất sẽ khiến việc tiếp tục chăm sóc người bệnh trở nên khó khăn hơn.

3. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài 

Chia sẻ cảm xúc của bạn với một cố vấn, mục sư, một nhóm hỗ trợ hoặc với một người chăm sóc khác có hoàn cảnh tương tự là một cách thức tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng và có được những lời khuyên hữu ích. Bạn có thể liên hệ với các tổ chức trong phần Tài nguyên ở cuối tờ thông tin này hoặc xem phần dịch vụ cộng đồng ở trước Trang Vàng, trong mục Tư vấn hoặc Dịch vụ chăm sóc người già, để tìm các dịch vụ giúp bạn nhận được hỗ trợ dành cho những người chăm sóc người bệnh. Tờ thông tin FCA về  Các lựa chọn chăm sóc cộng đồng cũng cung cấp rất nhiều thông tin. 

Tài nguyên 

Liên minh Người chăm sóc Gia đình   
Trung tâm chăm sóc sức khỏe quốc gia 

(415) 434-3388 | (800) 445-8106 
Trang web: www.caregiver.org 
Tài nguyên bằng tiếng Việt: https://www.caregiver.org/vietnamese/
Email: info@caregiver.org 
Dịch vụ Hỗ trợ Chăm sóc Cá nhân FCA CareNav: https://fca.cacrc.org/login 
Tiện ích Tìm kiếm Người chăm sóc Gia đình: www.caregiver.org/family-care-navigator 

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance, FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua đào tạo, các dịch vụ, nghiên cứu và vận động. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về xã hội, chính sách công cộng, và các vấn đề chăm sóc và cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình công cộng và cá nhân dành cho những người chăm sóc. Đối với cư dân Vùng Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho người chăm sóc những người mắc bệnh Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não, Parkinson, và các tình trạng làm suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành. 

Tờ thông tin và lời khuyên của FCA 

Danh sách tất cả các thông tin và lời khuyên có sẵn trực tuyến tại địa chỉ www.caregiver.org/fact-sheets

Các tổ chức và đường dẫn khác 

Hiệp hội Alzheimer 
www.alz.org 

Mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc người bệnh quốc gia 
www.nvcnetwork.org 
Truy cập trang web để tìm tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc người bệnh. 

Trung tâm tài nguyên và mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế quốc gia ARCH 
www.archrespite.org 
Truy cập trang web để tìm nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế tai địa phương. 

Bộ định vị chăm sóc người lớn tuổi 
eldercare.acl.gov  
Truy cập trang web hoặc gọi điện để tìm đơn vị ở khu vực sở tại phụ trách các vấn đề về Người già và dịch vụ cho người già và người chăm sóc, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế.


Tài liệu do Liên minh Người chăm sóc Gia đình biên soạn. © 2016-2020 Family Caregiver Alliance. All rights reserved.